Thứ 2 - Thứ 607:00-17:00HOTLINE:1900 23.23.61

Y học thường thức / Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

Picture1-6.jpg

Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả. Tử vong và tàn tật sau ngừng tuần hoàn là những mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đã có những tiến bộ trong quá trình điều trị, tỷ lệ sống sót ở người bệnh sau ngừng tuần hoàn còn thấp. Tại Hoa Kỳ ghi nhận dưới 6% người bệnh ngừng tuần hoàn ngoài viện và 24% người bệnh ngừng tuần hoàn trong viện sống sót sau khi xuất viện.

Hạ thân nhiệt đã được chứng minh có hiệu quả giúp cho người bệnh ngừng tuần hoàn có nhiều cơ hội sống hơn. Các báo cáo trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của liệu pháp này giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống 14% và giảm di chứng tàn phế xuống là 11%. Kết cục thần kinh tốt được quan sát thấy ở 85% số người sống sót ở Hoa Kỳ và lên đến 95% số người sống sót ở các nước Châu Âu.

Vừa qua, Khoa Hồi sức Theo yêu cầu (HSTYC), Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp nhận người bệnh N.Đ.N, 77 (tuổi) với chẩn đoán khi vào viện: Hôn mê sau cấp cứu ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp đã đặt stent mạch vành/THA – ĐTĐ typ II. Trước đó, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và đã được đặt stent mạch vành. Trong quá trình đặt stent, người bệnh xuất hiện ngừng tim và được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong hai giờ, tình trạng người bệnh nặng, gia đình thống nhất xin cho người bệnh về nhà và đã liên hệ với công ty mai táng. Tuy nhiên, khi về nhà, người bệnh vẫn tiếp tục được thở máy, duy trì thuốc vận mạch, gia đình vẫn thấy hình ảnh nhịp tim trên monitor nên quyết định đưa người bệnh trở lại viện, vào Khoa Hồi sức Theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Tại Khoa HSTYC, người bệnh trong tình trạng: hôn mê sâu, Glasgow: 3 điểm, đồng tử 2 bên giãn 5mm, mất hết các phản xạ, vân tím rải rác toàn thân, nhịp tim: 130 chu kỳ/phút, HA: 70/40mmHg đang duy trì ba thuốc vận mạch liều tối đa, SP02: 70%, phổi nhiều ral ẩm, ral nổ. Xét nghiệm thể hiện tình trạng toan máu nặng, suy đa tạng với điểm SOFA: 16 điểm (tiên lượng tử vong > 90%).

Xác định tình trạng người bệnh rất nặng, cơ hội duy trì sự sống rất thấp, các bác sĩ trực đã trao đổi, giải thích tình trạng của người bệnh cho gia đình. Được sự đồng thuận cao của gia đình về việc tiếp tục các can thiệp chuyên sâu dù cơ hội cải thiện rất thấp. Người bệnh được tiến hành ngay và đồng thời các can thiệp hồi sức chuyên sâu: lọc máu liên tục, đặt thiết bị thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO. Đặc biệt, người bệnh được tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy.

(Hình ảnh: Người bệnh N.Đ.N đang được tiến hành các biện pháp hồi sức chuyên sâu: Hạ thân nhiệt, PiCCO, lọc máu liên tục và phim CTscanner lồng ngực của người bệnh)

Hạ thân nhiệt giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô, cơ quan. Người bệnh được hạ thân nhiệt diễn ra qua 4 giai đoạn: Giai đoạn cảm ứng: dùng chế độ làm lạnh nhanh ở mức tối đa, nhanh chóng đưa nhiệt độ cơ thể xuống mức nhiệt độ đích là 330C trong thời gian ngắn nhất. Giai đoạn duy trì: duy trì nhiệt độ đích 33℃ trong 24 giờ. Giai đoạn làm ấm: dùng chế độ làm ấm nâng dần nhiệt độ cơ thể lên 37℃, cần làm ấm chậm, tốc độ 0,25℃/giờ. Giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt: duy trì 37℃ trong 24 giờ.

Qua mỗi giờ, sự sống của người bệnh vẫn được duy trì là niềm hy vọng của gia đình ngày một lớn lên. Sau 72h tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy, người bệnh được ngừng thuốc an thần để đánh giá lại tri giác, thấy tri giác cải thiện, người bệnh có đáp ứng với kích thích thì đó là những tín hiệu giúp gia đình và nhân viên y tế thấy được những can thiệp trước đó không phải là những nỗ lực vô vọng và tiếp tục cố gắng. Đó mới là những kết quả bước đầu, người bệnh còn phải trải qua nhiều ngày hồi sức để cải thiện chức năng các cơ quan như  tim – phổi –  gan – thận do hậu quả của quá trình tụt huyết áp kéo dài. Nhưng sự cải thiện về chức năng não, kết quả của quá trình hạ thân nhiệt chỉ huy là bước cải thiện đầu tiên đồng thời cũng là sự hy vọng lớn nhất để người bệnh, gia đình cùng nhân viên y tế không nản chí. Sau 63 ngày nằm viện, người bệnh ra viện trong tình trạng phục hồi tri giác, vận động hoàn toàn, có thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân.

(Hình ảnh: Người bệnh N.Đ.N ở nhà sau 63 ngày nằm viện)

Hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật hồi sức thần kinh tiến bộ đã được chứng minh có hiệu quả trong việc bảo vệ và hồi phục chức năng thần kinh ở những người bệnh ngừng tuần hoàn qua hai nghiên cứu lớn là TTM 1 và TTM 2 (Targeted Temperature Management). Khoa Hồi sức Theo yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã làm chủ và tiến hành triển khai thường quy kỹ thuật này, bước đầu có nghiên cứu chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc cải thiện chức năng thần kinh ở những người bệnh hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Kết quả thần kỳ ở người bệnh N.Đ.N là sự phối hợp giữa niềm tin của gia đình, sự làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu trong chuyên ngành hồi sức của Khoa Hồi sức Theo yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cũng như sự chăm sóc tỉ mỉ, chân tình từ người nhà người bệnh và nhân viên trong khoa.

ThS.BSCKII Nguyễn Văn Lữ – Trưởng Khoa Hồi sức Theo yêu cầu

Bùi Thảo


2-5.jpg

  1. Thoái hóa khớp và các phương pháp điều trị

Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Bệnh rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây giảm, mất khả năng vận động ở người cao tuổi. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm: giáo dục người bệnh về cách phòng ngừa bệnh, chống các tư thế xấu, giảm các yếu tố nguy cơ gây nặng bệnh kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa.

Nhìn chung, các biện pháp nội khoa hiện nay điều trị thoái hóa khớp chủ yếu nhằm hai mục đích: giảm đau và cải thiện chức năng vận động khớp, tức là vẫn điều trị triệu chứng bệnh chứ chưa đạt tới đích cải thiện được chất lượng sụn khớp hay làm ngừng quá trình thoái hóa. Điều trị ngoại khoa bao gồm đục xương chỉnh trục, nội soi khớp can thiệp, thay khớp  nhân tạo một phần hay toàn phần chỉ được chỉ định trong những trường hợp có biến đổi giải phẫu khớp hoặc ở giai đoạn muộn của bệnh và thường gây tốn kém nhiều cho người bệnh.

Như vậy, nhu cầu cấp thiết cần tìm ra một kỹ thuật điều trị mới, thực sự tác động tới sự phục hồi sụn, độc lập hoặc phối hợp tốt với các phương pháp điều trị hiện tại nhằm đem lại kết quả cao trong điều trị bệnh, hạn chế các biến chứng và nhu cầu thay khớp nhân tạo. Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP- Platelet Rich Plasma) tự thân đã mở ra một hướng mới để điều trị thoái khớp điều trị bảo tồn. Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân đã được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng từ lĩnh vực cơ xương khớp đến thẩm mỹ, răng hàm mặt…

Tác dụng chung của PRP là thúc đẩy nhanh quá trình lành vết thương, rút ngắn thời gian điều trị bệnh, làm giảm nhiễm trùng sau phẫu thuật, giảm đau và mất máu. Trong chuyên ngành cơ xương khớp, liệu pháp PRP tự thân được sử dụng rất nhiều trong các bệnh lý liên quan đến chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích sự lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật. Trên thế giới, trong khoảng vài năm trở lại đây, có một số nghiên cứu đã chứng tỏ PRP tiêm trực tiếp vào trong khớp là một liệu pháp có triển vọng trong điều trị thoái hóa khớp với đích tác động là cải thiện, tăng sinh tế bào sụn khớp trong khi hầu như không có biến chứng đáng kể.

Tại Việt Nam cũng như tại Khoa Nội Cơ – Xương – Khớp Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng, liệu pháp PRP không chỉ được ứng dụng trong điều trị bệnh lý thoái hóa khớp mà còn sử dụng điều trị các bệnh khác như: viêm gân, viêm điểm bám gân, bong gân dây chằng, chấn thương sụn khớp, rách gân chóp xoay…

  1. Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?

PRP là viết tắt của cụm từ Platelet-rich Plasma, nghĩa là Huyết tương giàu tiểu cầu. Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một chế phẩm từ máu với hàm lượng tiểu cầu cao gấp nhiều lần bình thường.

Cơ chế tác dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP):

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh được khả năng đẩy nhanh hiệu quả chữa trị của huyết tương giàu tiểu cầu.Theo đó, các yếu tốtăng trưởng trong huyết tương giàu tiểu cầu (IGF, KGF, VEGF…) là các đại phân tử hoà tan và khuếch tán, được tạo ra bởi rất nhiều loại tế bào. Quá trình hoạt động thường tác động đến sự phát triển, biệt hoá và kiểu hình của nhiều tế  bào, bao gồm cả tế bào sụn khớp.

Các phân tử này sẽ tương tác với thụ thể của tế bào màng, truyền tín hiệu vào bên trong và tạo ra phản ứng theo tầng, kết thúc bằng việc điều hoà biểu hiện gen. Cơ chế hoạt động phổ biến nhất là paracrine hoặc autocrine, đôi khi là nội tiết. Do đó, tế bào hoặc các tế bào nhận tín hiệu có thể ở gần hoặc xa tế bào đã tổng hợp và giải phóng những yếu tố trên. Với hoạt động của huyết tương giàu tiểu cầu, quá trình tái tạo sụn sẽ đạt được hiệu quả cao bất kể tuổi tác, tình trạng thoái hóa khớp mà không làm hỏng sụn hay màng hoạt dịch.

– Ứng dụng của huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị thoái hóa khớp:

Điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là liệu pháp tiêm tiểu cầu của chính người bệnh để đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương  trên khớp. Cụ thể, máu là chất lỏng có chứa các thành phần dạng rắn nhỏ (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), thực hiện từng chức năng riêng biệt. Trong đó, tiểu cầu đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình đông máu, đồng thời chứa hàng trăm protein tham gia vào nhiệm vụ chữa lành vết thương.

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) chứa nồng độ tiểu cầu cao gấp khoảng10 lần so với bình thường. Trong điều trị thoái hóa khớp, thành phần này sẽ được tách ra khỏi các tế bào máu khác và đẩy cao nồng độ thông qua quá trình ly tâm. Sau khi tiêm vào vị trí tổn thương, tiểu cầu sẽ bắt đầu tiến hành nhiệm vụ chữa lành. Tác dụng cụ thể như sau:

  • Ức chế phản ứng viêm và làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
  • Kích thích hình thành sụn mới.
  • Tăng sản xuất dịch bôi trơn tự nhiên trong khớp, giảm ma sát khớp, tránh gây đau khi vận động.
  • Chứa các protein làm thay đổi cơ quan thụ cảm đau, từ đó làm giảm cảm giác đau đớn cho người bệnh.

( Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu – Điều trị thoái hóa khớp háng dưới hướng dẫn của siêu âm )

  1. Lợi ích so với các phương pháp truyền thống khác

 So với các phương pháp điều trị truyền thống khác, việc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu có nhiều ưu điểm như sau:

  • Mức độ đau: So với giả dược, cách điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm đau đáng kể ở mỗi lần tái khám.
  • Chức năng vật lý: So với các biện pháp kiểm soát, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp cải thiện chức năng vật lý của khớp một cách đáng kể.
  • Tác dụng phụ: Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vẫn tồn tại một vài rủi ro đi kèm nhưng hầu hết đều không đáng kể hơn tác dụng phụ từ các phương pháp truyền thống khác.
  1. Quy trình thực hiện tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được tiến hành theo quy trình như sau:

  • Bước 1: Điều dưỡng tiến hành lấy máu khoảng 10 – 30ml vào kít  (lượng máu tùy theo loại kít)
  • Bước 2: Máu được xử lý bằng máy ly tâm để tách lấy huyết tương giàu tiểu cầu (PRP).
  • Bước 3: Bác sĩ lấy huyết tương giàu tiểu cầu vào bơm tiêm vô khuẩn.
  • Bước 4: Tiến hành tiêm PRP vào khớp theo quy trình vô khuẩn.
  • Bước 5: Sau khi tiêm, sát khuẩn vị trí tiêm và băng vô khuẩn.
  1. Chăm sóc người bệnh ngay sau tiêm

– Sau tiêm sát trùng, băng chỗ tiêm, hướng dẫn người bệnh gấp duỗi thụ động khớp ngay sau tiêm vài lần.

– Dặn người bệnh giữ khô vị trí tiêm trong 24 giờ, sau 24 h mới bỏ băng dính và có thể rửa nước bình thường vào chỗ tiêm.

– Dặn người bệnh theo dõi các tai biến, tác dụng phụ.

Tại Khoa Nội Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) được áp dụng thường quy cho những bệnh lý về xương khớp như:  thoái hóa khớp, viêm gân, viêm điểm bám gân, bong gân dây chằng, chấn thương sụn khớp, rách gân chóp xoay,… giúp phục hồi khả năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đến với Khoa Nội Cơ – Xương – Khớp, người bệnh sẽ được thăm khám bởi đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và chu đáo với người bệnh cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phòng thủ thuật đảm bảo vô khuẩn. Trong quá trình thăm khám và kể cả khi đã kết thúc điều trị, các bác sĩ luôn sẵn sàng giải đáp, trả lời những thắc mắc về vấn đề chăm sóc sức khỏe cơ – xương – khớp.

          BS.CKII Lương Đình Hạ, Trưởng Khoa Nội Cơ – Xương – Khớp

Nguyễn Anh


1-5.jpg

Ung thư tuyến tiền liệt (Ung thư TTL) là một trong những bệnh lý ác tính ở nam giới và được biết đến là loại ung thư phổ biến, gây nguy hiểm thứ 2 chỉ sau ung thư phổi. Chính vì thế, việc phát hiện – chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt sớm là điều vô cùng quan trọng, góp phần đem lại hiệu quả tối đa trong điều trị cũng như kéo dài sự sống cho người bệnh. Sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn đầu dò trực tràng là kỹ thuật chủ yếu được sử dụng để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Đây là kỹ thuật có độ chính xác cao, linh hoạt, dễ thao tác trong quá trình lấy mẫu và giảm được những biến chứng liên quan.

Sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn đầu dò trực tràng là kỹ thuật lấy mảnh bệnh phẩm từ mô tuyến tiền liệt được thực hiện dưới hướng dẫn của đầu dò siêu âm qua đường trực tràng (hình ảnh siêu âm trực tiếp bởi đầu dò siêu âm đi vào trong trực tràng). Thông qua đó, có thể đánh giá chính xác hình dạng, kích thước, khối lượng tuyến tiền liệt, hiển thị nhiều thông tin hơn về mức độ xâm lấn của u tuyến tiền liệt, các tổn thương kèm theo nếu có ở vùng tầng sinh môn và tiểu khung.

So với các phương pháp cũ trước đây như thăm trực tràng bằng ngón tay, siêu âm trên đường bụng mang lại tỷ lệ chính xác rất thấp, người bệnh thường phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn thì sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn đầu dò trực tràng là phương pháp mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Đây cũng là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán một trường hợp mắc Ung thư TTL hay không, được chỉ định khi kết quả sàng lọc nghi ngờ có sự tồn tại của Ung thư TTL.

Với 12 mảnh bệnh phẩm sinh thiết ở 12 vị trí, cùng sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc (máy siêu âm, bộ súng và kim sinh thiết), các bác sĩ sẽ tầm soát Ung thư TTL triệt để nhất có thể. Đặc biệt, với sự chuyên nghiệp, tận tâm cùng các kiến thức mới liên tục được cập nhật và được đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Bình Dân, Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng một cách nhẹ nhàng, không đau và rất hiếm gặp biến chứng. Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi thực hiện thủ thuật.

(Người bệnh được thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn đầu dò trực tràng)

            Theo BS.CKI.BSNT Bùi Sỹ Khanh – Khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu và Nam học khuyến cáo: Người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và làm sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn đầu dò trực tràng tầm soát ung thư sớm ngay khi có 1 trong 3 dấu hiệu sau:

– Xét nghiệm nồng độ PSA toàn phần trong máu tăng >10ng/ml

– Thăm khám tuyến tiền liệt qua trực tràng có dấu hiệu bất thường có nhân cứng

– Siêu âm tuyến tiền liệt qua trực tràng hoặc MRI có tổn thương nghi ngờ.

            Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tự hào là đơn vị y tế đi đầu tại thành phố Hải Phòng thực hiện kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn đầu dò trực tràng, với đội ngũ y, bác sỹ giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm đã giúp rất nhiều người bệnh tầm soát và phát hiện sớm Ung thư TTL để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp đối với từng trường hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe người bệnh.

Việc phát hiện bệnh sớm quan trọng hơn những nỗ lực điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chính vì thế, với phương châm “Cùng chúng tôi lắng nghe cơ thể bạn – từ những dấu hiệu bất thường nhỏ nhất”, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của người bệnh và mang đến những dịch vụ tốt nhất dành cho người bệnh.

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

  • Hotline: 658.638
  • Địa chỉ: Phòng khám số 211, tầng 2 Nhà G, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

BSCKII Bùi Vân Tùng – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu Nam học

BS.CKI.BSNT Bùi Sỹ Khanh – Khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu và Nam học

Phương Loan

 


4-2-1200x799.jpg

Để chi thể bị đứt rời sống được và phục hồi tốt các chức năng thì yêu cầu của cuộc phẫu thuật phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: kết hợp xương, khâu nối gân cơ và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh. Đây là những kỹ thuật phức tạp và đều đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp làm chủ.

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.G (26 tuổi), địa chỉ Đại Hợp – Kiến Thụy – Hải Phòng, nhập viện do tai nạn sinh hoạt bị dao cắt đứt rời ngón tay sau khi chặt gà. Người bệnh đã được các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cũng như kiểm tra đánh giá tổn thương. Qua đánh giá vết thương đứt rời đầu xa đốt 2 ngón II bàn tay trái, bờ mép sắc gọn, lộ xương gãy, đứt toàn bộ gân, mạch máu thần kinh 02 bên. Phần chi thể đứt rời bảo quản ko đúng cách do để tiếp xúc trực tiếp đá lạnh bên cạnh đó các mạch máu vị trí này rất nhỏ khó nối gây khó khăn rất nhiều cho việc tiến hành phẫu thuật nối chi thể.

Người bệnh đã được tiến hành phẫu thuật bảo tồn tối đa hệ mạng mạch nuôi dưới da và mô lành, dùng kim Kirscher 2.0 cố định trục ngón, khâu lại hệ thống gân đứt. Dưới kính hiển vi hỗ trợ các bác sĩ đã tiến hành vi phẫu khâu nối động mạch, tĩnh mạch và thần kinh ngón tay cho người bệnh. Sau phẫu thuật ngón tay người bệnh đã hồng ấm và phục hồi tốt.

Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng Khoa Điều trị Theo yêu cầu, Trưởng kíp Vi phẫu Tạo hình thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho người bệnh cho biết: “Nhờ ứng dụng kỹ thuật vi phẫu, dưới kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần, cùng với các trang thiết bị chuyên dụng và đội ngũ phẫu thuật viên vi phẫu chuyên nghiệp đã khâu nối được các mạch máu có đường kính trên dưới 1mm và khâu nối chính xác được các bó sợi thần kinh. Do vậy, trường hợp ngón tay của người bệnh N.T.G bị đứt rời ở vị trí khó cũng như bảo quản không đúng cách đã được nối thành công và chức năng chi thể sau nối được phục hồi tốt.

(Ngón tay của người bệnh ngày thứ 10 sau phẫu thuật đã phục hồi tốt)

(Người bệnh được chăm sóc tận tình sau phẫu thuật tại Khoa Điều trị Theo yêu cầu,
hiện sức khỏe đã ổn định, ngón tay sau phẫu thuật đã hồi phục tốt)

Việc ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong nối thể chi đứt rời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp được triển khai từ năm 2020 đã có nhiều kết quả tích cực, mang lại hy vọng cho nhiều trường hợp không may đứt rời chi thể trong quá trình lao động, sinh hoạt được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, giảm bớt di chứng nặng nề, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường”.

Cũng theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Đức Thành

– Bảo quản phần chi bị đứt rời tốt nhất ở nhiệt độ khoảng 4° – 5°C, để kéo dài được thời gian sống của tế bào. Cách bảo quản như sau: rửa sạch phần chi bị đứt rời dưới vòi nước máy sau đó bọc trong một lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào túi nilon, cao su… đổ nước muối sinh lý hoặc nước sạch, buộc lại đặt trong bình nước đá. Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh.

– Phẫu thuật phục hồi lại tất cả các thành phần bị đứt theo thứ tự là: kết hợp xương, khâu nối gân- cơ, khâu nối mạch máu (cả động mạch và tĩnh mạch), thần kinh, khâu da. Thời gian phẫu thuật: Phụ thuộc nhiều vào vị trí và tính chất của tổn thương (sắc gọn hay dập nát) và số lượng chi bị đứt mà thời gian của cuộc phẫu thuật dài hay ngắn. Thông thường để nối lại 1 chi thể bị đứt rời thì ít nhất cũng phải mất 5- 6 giờ. Trường hợp bị đứt nhiều ngón (nhiều chi thể) thì thời gian tăng lên theo số lượng chi bị đứt.

– Sau phẫu thuật: Trong thời gian nằm viện chi thể được bất động bằng nẹp, sưởi ấm và dùng thuốc. Ngoài các thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, người bệnh còn được dùng thêm các thuốc chống tắc mạch, đặc biệt là đối với các trường hợp nối các mạch máu nhỏ ở như ở bàn tay, ngón tay.…

– Sau khi ra viện: Thời gian giữ cố định và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, dùng thêm các thuốc nhằm tăng cường dẫn truyền thần kinh như: Nivalin, Methylcoban, Vitamin nhóm B…,khám lại định kỳ theo hẹn để có hướng dẫn tập luyện và phát hiện kịp thời các biến chứng cần can thiệp sửa chữa bổ sung (nếu có).

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên nghiệp cùng các trang thiết bị hiện đại như: Máy cộng hưởng từ tesla 3.0; máy CT 768 lát, Kính hiển vi phẫu thuật, dụng cụ vi phẫu,… Bệnh viện hiện là đơn vị đầu tiên duy nhất tại thành phố Hải Phòng và các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ thực hiện thành công kỹ thuật nối vi phẫu chi thể đứt lìa. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục cập nhật và ứng dụng thường quy nhiều hơn nữa các kỹ thuật cao nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật tốt nhất và hiệu quả nhất.

TS.BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng Khoa Điều trị Theo yêu cầu, Trưởng kíp Vi phẫu Tạo hình thẩm mỹ

Nguyễn Hà

 


Picture2-4.jpg

Người xưa có câu “người có sức khỏe thì có cả trăm ngàn ước mơ, người không có sức khỏe thì chỉ có một ước mơ duy nhất là sức khỏe” – Sức khỏe là chìa khóa của hạnh phúc, là nền tảng giúp bạn thực hiện được những ước mơ và khát vọng. Để có thể mở được cánh cửa hạnh phúc ấy, bạn cần thật sự chú trọng và chủ động trong việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thông qua khám sức khỏe định kỳ.

Khám định kỳ là hoạt động đến khám tại các đơn vị y tế, bệnh viện. Bạn sẽ được thực hiện khám sức khỏe tổng quát và chuyên sâu ở một số chức năng khám khi có nhu cầu hoặc được sự gợi ý từ bác sĩ đối với tình trạng sức khỏe của bản thân. Ở Việt Nam, thói quen khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và bảo vệ sức khỏe của người dân chưa được hình thành, đa phần chỉ tới bệnh viện khi có vấn đề về sức khỏe. Điều này khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn đặc biệt là với một số bệnh nguy hiểm (tim mạch, ung thư,…). Nhiều căn bệnh không có biểu hiện ở giai đoạn đầu, tuy nhiên sẽ biểu hiện triệu chứng ở thời kỳ giữa và cuối. Nên khám định kỳ 6-12 tháng/lần sẽ giảm thiểu được tình trạng phát triển bệnh ở giai đoạn cuối và tốt hơn là chẩn đoán được nguy cơ của bệnh từ những giai đoạn đầu.

( Người dân đến khám định kỳ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp )

  1. Tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ?
  • Giá trị của khám sức khỏe định kỳ đối với doanh nghiệp
  • Phát hiện tình trạng bệnh, phòng bị và chữa trị kịp thời giúp giảm được các chi phí y tế, chi phí rủi ro khi bệnh đột phát trong lúc làm việc.
  • Thu hút được nhân sự, bởi việc chăm lo sức khỏe cho các cán bộ, nhân viên chính là cách để doanh nghiệp thực hiện sự tôn trọng với người lao động.
  • Gia tăng đoàn kết, tạo sự gắn bó giữa doanh nghiệp và nhân viên.
  • Bảo vệ sức khỏe nhân viên cũng là bảo vệ nguồn lực của công ty, tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
  • Nâng cao năng xuất làm việc, giảm tai nạn lao động cũng như các bệnh nghề nghiệp.
  • Giá trị khám sức khỏe định kỳ đối với cá nhân
  • Tìm được các bệnh lý ở giai đoạn mới khởi phát, nhất là những bệnh nguy hiểm đang dần phát triển phổ biến hiện nay như: ưng thư, tim mạch, tiểu đường,…
  • Đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, rút ngắn thời gian chữa bệnh và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.
  • Loại bỏ những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh, hướng dẫn cách phòng bệnh an toàn.
  • Được bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, ché độ làm việc để điều chỉnh lối sống nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
  1. Nên khám sức khỏe định kỳ mấy tháng một lần?

Theo Luật an toàn lao động năm 2015 của Chính phủ quy định, người lao động mỗi năm phải được khám sức khỏe ít nhất 1 lần. Quy định này áp dụng cho người sử dụng lao động như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan… phải thực hiện. Những đối tượng làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại hoặc người bị khuyết tật, người lớn tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng 1 lần.

Tuy nhiên, khám sức khỏe định kỳ bao lâu một lần cũng có sự khác nhau giữa độ tuổi, trình trạng sức khỏe, môi trường làm việc, tiền sử sức khỏe của người đó và gia đình. Ví dụ như:

  • Đối tượng trong độ tuổi 18 – 30 tuổi nên làm các xét nghiệm kiểm tra bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao như: các bệnh lây qua đường tình dục, vấn đề liên quan đến sinh sản , khám tiền hôn nhân, viêm gan B, viêm gan C,….
  • Đối tượng độ tuổi 30- 40 tuổi nên khám tầm soát các bệnh như: tim mạch, rối loạn lipid máu, tiểu đường, gout, ung thư phụ khoa,…
  • Đối tượng ngoài trung niên nên khám tầm soát các bệnh như: tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, xương khớp, ung thư,…

Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao: như gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, người có lối sống không lành mạnh,… nên khám thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời.

( BS.CKII Bùi Thị Quỳnh – Trưởng Khoa Khám bệnh Đa khoa, tư vấn sức khỏe cho người dân )

  1. Khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp bao gồm những gì?

Theo thông tư 14/2013/TT – BYT của Bộ y tế chỉ rõ các danh mục khám tổng quát bao gồm:

  • Khám thể lực bao gồm : đo cân nặng, chiều cao, tính chỉ số BMI, đo vòng bụng huyết áp, kiểm tra mạch, kiểm tra tổng quát các cơ quan trong cơ thể. Từ các chỉ số này bác sĩ có thể đánh giá sức khỏe tổng quát, phát hiện dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, cơ xương khớp…
  • Khám lâm sàng bao gồm: khám nội, khám ngoại, Tai – Mũi – Họng, với nhiều kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị…
  • Khám cận lâm sàng với các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm máu, viêm gan, X – Quang… để phát hiện chính xác các nguy cơ gây bệnh trong cơ thể.

Ngoài những danh mục bắt buộc, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp còn cung cấp những gói khám mở rộng phù hợp với từng đối tượng thuộc lứa tuổi, giới tính, ngành nghề khác nhau. Giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, thời gian mà có thể sàng lọc đúng bệnh.

  1. Một số lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ

Khi khám sức khỏe định kì bạn nên:

  • Mang đầy đủ hồ sơ bệnh án cá nhân gồm: lịch tiêm chủng, các loại thuốc đang sử dụng..
  • Ngủ đủ giấc, thiếu ngủ có thể gây ra các kết quả bất thường như huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể.
  • Không uống rượu ít nhất 24 giờ trước khi khám vì nó có thể gây ảnh hưởng đến xét nghiệm.
  • Không ăn sáng, sử dụng các chất có đường, gas hay chất gây nghiện như cà phê, trà,…để đảm bảo kết quả xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu được chính xác.
  • Cần nhịn ăn 6 – 8 tiếng nếu nội soi dạ dày để bác sĩ quan xát và chẩn đoán tốt hơn.
  • Nếu siêu âm bụng tổng quát cần uống nhiều nước, nhịn tiểu cho tới khi siêu âm bụng xong.
  • Trong kỳ kinh nguyệt bác sĩ sẽ không tiến hành thăm khám phụ khoa.
  • Phụ nữ có gia đình không nên quan hệ trước ngày khám phụ khoa.
  • Không chụp X – quang đối với phụ nữ mang thai.
  • Người bệnh cần tiểu hết cho bàng quang rỗng nếu thực hiện siêu âm phụ khoa bằng đầu dò, để bác sĩ có thể dễ quan sát tử cung và phần phụ.
  • Vệ sinh tai mũi họng, vùng kín sạch sẽ để không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và quan sát của bác sĩ .

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp tự hào là một địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, nơi trao gửi niềm tin của người dân. Với đội ngũ y bác sĩ tận tâm, có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hiện đại như: máy cộng hưởng từ MRI 3.0, máy đo loãng xương, máy chụp Xquang, máy đo chức năng hô hấp, máy đo điện não, máy siêu âm tổng quát, siêu âm 4D, siêu âm Doppler tim mạch, hệ thống nội soi…giúp tầm soát bệnh các lý, ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn về bệnh. Bênh cạnh đó, còn đánh giá tình trạng sức khỏe giúp mỗi người điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống phù hợp nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người. Do đó, việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe thông qua khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết, giúp bạn và người thân yêu luôn khỏe mạnh, vui sống mỗi ngày.

BS.CKII Bùi Thị Quỳnh – Trưởng Khoa Khám bệnh Đa khoa

Nguyễn Anh


z4283588104956_fe7a324c4dd172eb32e82af7fe389bc9.jpg

Để tạo nên một cuộc phẫu thuật an toàn, thành công thì phải cần đến rất nhiều yếu tố. Trong đó, công tác thực hiện gây mê cho người bệnh đóng một vai trò vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến kết quả của mỗi cuộc phẫu thuật. Trước khi gây mê, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám, đánh giá đầy đủ và toàn diện nhằm đưa ra phương pháp gây mê phù hợp với cuộc phẫu thuật.

(Bác sĩ gây mê tư vấn, giải thích các yếu tố, nguy cơ và hướng dẫn người nhà người bệnh ký cam kết trước khi phẫu thuật tại Khoa Gây mê Hồi sức cơ sở An Đồng)

  1. Gây mê là gì?

Gây mê là một phương pháp vô cảm sử dụng thuốc mê tác động lên hệ thần kinh trung ương nhằm làm mất tạm thời ý thức, cảm giác toàn thân và các phản xạ của người bệnh thông qua việc gây ngủ. Phương pháp gây mê giúp người bệnh nằm yên, không còn cảm giác đau đớn hay lo lắng để từ đó các phẫu thuật viên tiến hành phẫu thuật một cách an toàn và chính xác cho người bệnh. Căn cứ theo cân nặng, thể trạng hoặc tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh mà bác sĩ gây mê sẽ đưa ra phác đồ gây mê phù hợp nhằm bảo đảm việc gây mê được diễn ra an toàn. Bên cạnh việc sử dụng gây mê để phẫu thuật thì phương pháp này còn được sử dụng để thực hiện một số thủ thuật như nội soi dạ dày, đại trực tràng,… Sau khi kết thúc phẫu thuật và qua quá trình thuốc đào thải hết thì người bệnh sẽ tỉnh lại.

  1. Các loại gây mê thường được sử dụng

(Các y, bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức cơ sở An Đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp triển khai thực hiện công tác gây mê trước khi phẫu thuật cho người bệnh)

Gây mê qua đường hô hấp: Người bệnh sau khi được hít hơi thuốc mê, thuốc  sẽ đi đến phế nang, vào máu và lên cơ quan đích là não phát huy tác dụng gây mê.

Gây mê qua các đường tĩnh mạch: Dùng thuốc mê tĩnh mạch tiêm ngắt quãng hoặc truyền vào tĩnh mạch liên tục qua bơm tiêm điện. Người bệnh có thể tự thở hay được giúp thở bằng mặt nạ với thông khí hay dưỡng khí nhưng không dùng thuốc mê qua đường hô hấp.

Gây mê phối hợp hay gây mê cân bằng: Được xem là phương pháp phổ biến nhất thông qua sự phối hợp của các kỹ thuật đặt nội khí quản kiểm soát đường thở, sử dụng thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê hô hấp để duy trì độ mê, thuốc giảm đau để duy trì độ đau, thuốc giãn cơ để mềm cơ… Các thuốc được phối hợp với tỷ lệ thích hợp để đạt được độ mê, độ đau, độ mềm cơ thích hợp cho cuộc phẫu thuật.

  1. Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra của gây mê

(Chóng mặt có thể là tác dụng phụ của gây mê)

Phương pháp gây mê hiện đại thường rất an toàn, song mỗi phương pháp gây mê vẫn có những nguy cơ hoặc tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra như:

– Buồn nôn hoặc nôn;

– Nhức đầu;

– Đau họng;

– Nhìn mờ, nhìn đôi hoặc chóng mặt;

– Ớn lạnh, rùng mình (hạ thân nhiệt);

– Ngứa;

Một số biến chứng (ít gặp):

– Phản ứng dị ứng và co thắt đường thở;

– Dị ứng nặng hoặc là sốc;

– Nhiễm trùng hô hấp (thường xảy ra với người hay hút thuốc lá);

– Cơn co giật động kinh;

– Sốt cao đột ngột;

– Huyết khối chi dưới;

– Đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim;

– Tổn thương não,…

Các yếu tố, nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ càng tăng cao ở những người bệnh cao tuổi, người nghiện thuốc lá hoặc thừa cân, hay là những người có bệnh lý nền nặng như đái tháo đường, tim mạch, bệnh thận,… Do đó, để bảo đảm an toàn cho người bệnh trước khi thực hiện gây mê, các bác sĩ gây mê sẽ thực hiện công tác khám tiền mê nhằm kiểm soát tốt những yếu tố, nguy cơ rủi ro, các tác dụng phụ có thể xảy ra, cũng như tiên lượng những khó khăn có thể gặp trong quá trình thực hiện gây mê trên người bệnh.

  1. Những điều cần lưu ý trước khi gây mê

– Trước mỗi cuộc phẫu thuật, người bệnh thường có tâm lý lo lắng là điều khó có thể tránh khỏi, do đó việc tìm hiểu về những điều cần lưu ý trước khi gây mê, cũng như việc được bác sĩ gây mê thăm khám, tư vấn và giải thích trước khi gây mê là điều hết sức cần thiết.

– Người bệnh cần tuân thủ nhịn ăn trước phẫu thuật hoặc thủ thuật 6 tiếng và nhịn uống trước 3 tiếng;

– Trường hợp người bệnh có một số bệnh lý nền như tiểu đường, hen suyễn, viêm phế quản, tuyến giáp hay bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp,… thì người bệnh cần kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm tối ưu hóa các điều kiện an toàn trước khi thực hiện phẫu thuật, cũng như có được phác đồ gây mê phù hợp.

– Người bệnh cần tránh uống rượu ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật;

– Một số bệnh lý liên quan đến hô hấp như COPD, nghiện thuốc lá,… là nguyên nhân gây giảm lượng oxy trong máu và làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề liên quan đến hô hấp trong và sau cuộc phẫu thuật. Người bệnh cần ngưng hút thuốc lá trước 8 tuần trước khi phẫu thuật nhằm cải thiện chức năng hô hấp.

– Cần tháo hết tất cả các đồ trang sức đang đeo trên người (đặc biệt là trang sức kim loại) để phòng tránh nguy cơ bị bỏng trong lúc thực hiện phẫu thuật.

  1. Một số lưu ý sau khi gây mê

– Sau khi thoát mê, người bệnh không nên tự ý rời khỏi bệnh viện khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần ở lại bệnh viện để được theo dõi và chăm sóc y tế, cũng như tuân thủ nghiêm chỉnh các y lệnh điều trị của bác sĩ để quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ.

– Người bệnh khi tỉnh lại sau phẫu thuật có thể bắt đầu với việc uống từng ngụm nước nhỏ, dần dần là uống các loại nước khác sau đó ăn thức ăn lỏng và cuối cùng là có thể quay trở lại với chế độ ăn thông thường. Quá trình này tùy thuộc ở từng người mà có thể mất vài giờ hoặc vài ngày.

– Những ngày đầu sau phẫu thuật, người bệnh cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục. Đặc biệt, người bệnh được khuyến nghị không nên vận hành các máy móc hạng nặng như lái xe ô tô,…

– Người bệnh cần ngủ đủ giấc để cơ thể đào thải hết thuốc mê còn đọng lại.

– Trong vòng ít nhất 24 giờ kể từ khi tỉnh lại không nên đưa ra những quyết định quan trọng hoặc ký bất kỳ giấy tờ pháp lý nào.

– Ngoài ra, rượu bia và các chất kích thích đều tuyệt đối không được sử dụng trong những ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật.

– Trong quá trình nằm điều trị sau phẫu thuật, nếu có bất cứ vấn đề nào bất thường thì người bệnh cần báo ngay nhân viên y tế để được hỗ trợ và xử trí kịp thời.

Với các trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến thường xuyên được đầu tư và nâng cấp, cùng với đó là đội ngũ y, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp luôn sẵn sàng tận tâm, chu đáo để mang đến chất lượng điều trị tích cực cho người bệnh, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục và sớm được trở về sum họp cùng gia đình.

ThS.BS Vũ Thị Thanh Nga – Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức cơ sở An Đồng
Đỗ Thành

 


Picture2-1-1200x802.jpg

Vừa qua, Khoa Ngoại Tiêu hóa tiếp nhận người bệnh V.T.B (sinh năm 1956) trú tại Kiến An, Hải Phòng vào cấp cứu do đau bụng. Khoảng 1 ngày trước khi vào viện, người bệnh xuất hiện đau tức vùng mạn sườn (P), có khối di động kém, ấn đau kèm theo người bệnh có tiểu buốt, tiểu đêm, có khối thò ra vùng hậu môn phải dùng tay đẩy lên khi đi vệ sinh ở nhà chưa được xử trí. Người bệnh được chẩn đoán U lympho không Hodgkin, trĩ độ III, u xơ tiền liệt tuyến. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt đoạn ruột chứa u.

Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Vũ, Khoa Ngoại Tiêu hóa – người trực tiếp điều trị cho người bệnh: “Sau phẫu thuật, người bệnh ổn định, không sốt, trung đại tiện tốt. Một tuần sau ra viện, người bệnh được chỉ định tiếp tục sử dụng hóa chất theo phác đồ tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và nhập viện để hóa trị bổ trợ.

Với những triệu chứng mà người bệnh đã gặp phải, nếu không đến viện kịp thời, người bệnh có thể bị tắc ruột, áp xe, chảy máu, xâm lấn gây nguy hiểm đến tính mạng. Với kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt đoạn ruột chứa u, đây là phương pháp tối ưu có thời gian thực hiện nhanh, thời gian và chi phí điều trị giảm so với các phương pháp mổ mở, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, mang đến kết quả tốt nhất cho người bệnh.”

(Kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt đoạn ruột chứa u được kíp mổ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thực hiện)

(ThS.BS Nguyễn Vũ, Khoa Ngoại Tiêu hóa thăm khám cho người bệnh)

Chia sẻ thêm về căn bệnh U lympho không Hodgkin, BS.CKII Phan Thị Tuyết Lan – Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết: “U lympho không Hodgkin là một loại của ung thư hệ bạch huyết. Trong cơ thể, hệ bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ và chống lại những tác nhân gây bệnh tật và nhiễm trùng. Với U lympho không Hodgkin, khối u sẽ phát triển từ tế bào lympho (tế bào lympho tồn tại ở hạch bạch huyết, lá lách và những cơ quan khác của hệ miễn dịch). Với đặc điểm này, khối u có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào trong cơ thể và lan sang các bộ phận khác.

(Hình ảnh khối U lympho không Hodgkin ở vùng hồi manh tràng của người bệnh)

Triệu chứng của bệnh U lympho không Hodgkin

– Có đến 60% người bệnh có hạch to, và không đau. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng.

– Tổn thương ngoài hạch tiên phát chiếm khoảng 40% nghĩa là u xuất hiện đầu tiên, ở ngoài các hạch lympho, như: Dạ dày, amidal, hốc mắt, da…

– Lách thường to độ I/II; tuy nhiên, trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to độ III/IV.

– Gan to ít gặp hơn và thường kèm theo hạch to và/ hoặc lách to.

– Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng “B” còn gọi là tam chứng B gồm: Sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.

– Có thể thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.

– Giai đoạn muộn, thường có biểu hiện chèn ép, xâm lấn của mô lympho. Ví dụ như: Hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu u ống tiêu hóa…

Những đối tượng có nguy cơ bị U lympho không Hodgkin cao:

– Có hệ miễn dịch yếu sau khi điều trị bệnh khác bằng phương pháp ghép tạng; hoặc hệ miễn dịch suy giảm do nhiễm một số loại vi khuẩn như Helicobacter pylori, virus HIV, Epstein-Barr.

– Cao tuổi (trên 60 tuổi).

– Nam giới có nguy cơ mắc phải bệnh cao hơn nữ giới.”

Phẫu thuật nội soi cắt U lympho không Hodgkin cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn cũng như sở hữu đầy đủ trang thiết bị hiện đại hỗ trợ tốt nhất cho chẩn đoán và điều trị. Hiện nay, Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp là đơn vị thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi cắt U lympho không Hodgkin thường quy, luôn mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Hãy đến thăm khám để được tư vấn bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (SĐT: 0225.2221978)

BS.CKII Phan Thị Tuyết Lan – Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa

ThS.BS Nguyễn Vũ – Khoa Ngoại Tiêu hóa

Bùi Thảo


0.123-1200x800.jpg

Bệnh đại tràng rất phổ biến ở nước ta và thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 trở đi. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh đại tràng mãn tính cao gấp 4 lần trên toàn cầu, cao hơn tổng số bệnh nhân mắc đại tràng ở Châu Âu. Trong số 4 triệu người Việt mắc bệnh đại tràng thì có tới 20% sẽ chuyển thành ung thư đại tràng (số liệu của Bộ Y tế năm 2015). Nguy cơ ung thư đại tràng có thể âm thầm xuất hiện từ 7-10 năm trước khi khởi phát. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, tình trạng viêm loét lặp đi lặp lại và kéo dài có nguy cơ bị loạn sản, chuyển thành ác tính. Ngày nay, phẫu thuật cắt đại tràng đã có những tiến bộ rất lớn, ngày càng hoàn thiện về kỹ thuật phẫu thuật về phương diện ung thư học do đó tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ cũng giảm đi rõ rệt.

Vừa qua, Khoa Ngoại Tiêu hóa đã tiếp nhận người bệnh N.X.T (1962) trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng vào viện trong tình trạng tự nhiên đau bụng vùng hạ sườn phải, đau âm ỉ, liên tục, đau không lan, tăng sau bữa ăn, không có tư thế giảm đau kèm theo. Người bệnh đi ngoài phân lỏng, số lượng ít, khoảng 3 – 4 lần/ngày. Ngoài ra, người bệnh không buồn nôn, không nôn. Người bệnh được chẩn đoán K đại tràng, góc lách/nang gan phải và được chỉ định mổ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt chỏm nang gan, cắt đại tràng trái. Sau phẫu thuật, người bệnh đã ổn định, không đau bụng, ăn tốt, tăng cân, thời gian hồi phục nhanh, dự kiến sẽ điều trị hóa chất bổ trợ sau ra viện một tuần.

(Kíp mổ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại tràng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)

Kỹ thuật phẫu thuật cắt đại tràng nội soi đã được thực hiện rất phổ biến tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và một số bệnh viện tuyến Trung ương. So với mổ mở truyền thống, phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi cắt đại tràng có nhiều ưu điểm nổi bật hơn và ngày càng được ứng dụng nhiều trong y khoa. Với kỹ thuật này, việc nắm vững được chỉ định, chống chỉ định của từng loại phẫu thuật, nguyên tắc phẫu thuật, các tăng thì trong phẫu thuật, theo dõi và điều trị sau phẫu thuật sẽ giúp đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

(Người bệnh N.X.T đã dần hồi phục sau ca phẫu thuật)

Theo BS.CKII Phan Thị Tuyết Lan – Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp: “Nội soi cắt đại tràng là một kỹ thuật tiên tiến, giúp lấy đi một phần hoặc toàn bộ đại tràng. Kỹ thuật này có tác dụng cắt bỏ phần bị tổn thương hoặc phần bị bệnh của đại tràng.

Phẫu thuật mổ nội soi đại tràng là kỹ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu được thực hiện bằng một ống kính có gắn camera để truyền hình ảnh lên màn hình sau đó các dụng cụ được đưa vào sẽ tiến hành phẫu thuật thông qua sự điều khiển của bác sĩ. Thông thường, khi mổ nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ lấy đi một phần đại tràng bị bệnh rồi khâu hai đầu ruột lành lại với nhau. Trường hợp không thể khâu lại, phẫu thuật viên sẽ tiến hành làm hậu môn nhân tạo. Hậu môn nhân tạo này không cố định mãi mà chỉ là tạm thời trong thời gian chờ đại tràng lành bệnh. Sau khi hồi phục sức khỏe, hậu môn tạm thời sẽ được đóng lại.

Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật đại tràng là mổ mở và mổ nội soi. Tuy nhiên kỹ thuật mổ nội soi được đánh giá là tốt hơn vì nó sở hữu nhiều ưu điểm mà kỹ thuật mổ mở không đạt được. Cụ thể:

– Không bị hạn chế tầm nhìn như truyền thống, hình ảnh chất lượng tối ưu với độ chính xác cao hơn.

– Ít đau sau mổ

– Chức năng đại tràng phục hồi nhanh

– Sẹo mổ nhỏ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, đảm bảo thẩm mỹ

– Hồi phục sau mổ nhanh, thời gian nằm viện ngắn

– Nhanh chóng sinh hoạt lại bình thường”

Phẫu thuật cắt đại tràng nội soi cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn cũng như sở hữu đầy đủ trang thiết bị hiện đại hỗ trợ tốt nhất cho chẩn đoán và điều trị. Hiện nay, Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp là đơn vị thực hiện phương pháp phẫu thuật cắt đại tràng nội soi thường quy, luôn mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Hãy đến thăm khám để được tư vấn bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp hoặc liên hệ theo số điện thoại: 0225.2221978.

BS.CKII Phan Thị Tuyết Lan – Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa

ThS.BS Nguyễn Vũ – Khoa Ngoại Tiêu hóa

Bùi Thảo


Picture1-3-1200x675.png

Xơ tủy là bệnh lý huyết học nặng, hiếm gặp và thuộc nhóm bệnh tăng sinh tủy mạn tính ác tính (MPN). Bệnh đặc trưng bởi xơ hóa tủy xương, lách to cùng các triệu chứng thực thể khác nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, tiên lượng sống của người bệnh xơ tủy còn thấp hơn các bệnh ung thư ác tính khác. Sau 5 năm tỉ lệ sống còn của người bệnh bị xơ tủy chỉ còn 38,9%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình hình chẩn đoán và điều trị xơ tủy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhằm duy trì việc cập nhật liên tục kiến thức chuyên ngành Huyết học – Truyền máu cho nhân viên y tế, vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã phối hợp cùng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức buổi Hội thảo khoa học “Phát hiện và điều trị sớm bệnh Xơ tủy”. Buổi Hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của các y, bác sĩ làm việc tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Khoa Huyết học Lâm sàng, Khoa Khám bệnh Theo yêu cầu, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

(TS.BS Vũ Đức Bình – Phó Viện trưởng, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương phát biểu tại hội thảo)

(TS.BS Nguyễn Ngọc Dũng – Trưởng Khoa Tế bào Tổ chức học, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương với bài báo cáo “Phát hiện sớm các bất thường ở bệnh nhân Xơ tủy”)

(TS.BSCKII  Nguyễn Lan Phương – Phó Trưởng Khoa Bệnh máu tổng hợp II, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương với bài báo cáo “Tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh Xơ tủy”)

Buổi Hội thảo diễn ra với 2 nội dung chính: Phát hiện và điều trị sớm bệnh Xơ tủy; Tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh Xơ tủy. Tại đây, các y bác sỹ tham gia đã đưa ra rất nhiều câu hỏi để thảo luận, tìm hiểu sâu về các chủ đề đã được trình bày. Đây là dịp để các y, bác sĩ trao đổi, chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm nghiên cứu quý báu với các đồng nghiệp tại các bệnh viện, nâng cao hơn nữa kiến thức chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh lý liên quan đến xơ tủy để từ đó phát hiện sớm bệnh và có những phương pháp phòng ngừa sự tiến triển của bệnh cũng như điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Phương Loan


1.png

Sỏi bàng quang gây ra các cơn đau nhức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nội soi tán sỏi bàng quang ra đời như một giải pháp tuyệt vời, giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh khó chịu. Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu, có tính an toàn cao, không đau, thời gian phục hồi ngắn. Người bệnh có thể sớm quay trở lại công việc hằng ngày.

1. Nội soi tán sỏi bàng quang là gì?

Nội soi tán sỏi bàng quang là kỹ thuật dùng năng lượng tia laser được đưa vào qua đường niệu đạo để phá vỡ sỏi. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy sạch những mảnh sỏi vụn. Đây là phương pháp điều trị sỏi bàng quang hiện đại, hiệu quả mang lại cao.

Tùy theo tình trạng và kích thước của sỏi bàng quang, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp điều trị thích hợp gồm điều trị nội khoa (dùng thuốc) và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật mổ mở lấy sỏi, nội soi tán sỏi). Nếu sỏi có kích thước quá lớn, điều trị nội khoa không còn hiệu quả hoặc sỏi đã gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, người bệnh mới cần phẫu thuật điều trị sỏi.

Tuy nhiên một số trường hợp chống chỉ định với phẫu thuật nội soi bàng quang tán sỏi, cụ thể là:

– Người bệnh có bệnh nội khoa đi kèm có chống chỉ định gây mê, phẫu thuật;

– Rối loạn đông máu

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa ổn định;

– Sỏi bàng quang kích thước > 5cm ( thời gian tán sỏi kéo dài), hoặc có nhiều viên sỏi to (trường hợp này nên phẫu thuật mổ mở bàng quang lấy sỏi);

– Niệu đạo hẹp bệnh lý.

Người bệnh sỏi bàng quang trước khi thực hiện phẫu thuật nội soi bàng quang tán sỏi được thực hiện đầy đủ các bước chuẩn bị như xét nghiệm tiền phẫu, siêu âm bụng, chụp X-quang bụng không cản quang, soi bàng quang, chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt bụng chậu có thuốc cản quang. Bên cạnh đó người bệnh được vệ sinh vùng mu để quá trình nội soi vệ sinh hơn.

2. Tiến hành nội soi bàng quang tán sỏi như thế nào?

Sau khi kiểm tra người bệnh đã được chuẩn bị đầy đủ để thực hiện phẫu thuật nội soi bàng quang tán sỏi, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi theo các kỹ thuật: tê tại chỗ, tê tuỷ sống hoặc gây mê toàn thân.

– Sau khi đặt người bệnh nằm ở tư thế sản khoa, sát khuẩn cơ quan sinh dục ngoài, bác sỹ tiến hành đưa máy soi vào bàng quang qua niệu đạo;

– Kiểm tra các bệnh lý đi kèm của: niệu đạo, tuyến tiền liệt, cổ bàng quang, niêm mạc bàng quang và 2 miệng niệu quản;

– Xác định số lượng và kích thước sỏi;

– Tán sỏi bằng năng lượng laser hoặc kìm tán sỏi cơ học

– Lấy sạch các mảnh sỏi vụn, đặt thông niệu đạo lưu.

Sau phẫu thuật, người bệnh được rút thông niệu đạo sau 1 ngày. Đối với phương pháp phẫu thuật nội soi bàng quang tán sỏi thường không có tai biến nghiêm trọng.

3. Lợi ích nội soi tán sỏi bàng quang so với các phương pháp khác

Nội soi tán sỏi bàng quang là kỹ thuật điều trị sỏi bàng quang có nhiều ưu điểm vượt trội, cụ thể:

– Làm sạch sỏi hiệu quả: Tán sạch sỏi bàng quang, ngay cả các viên sỏi có kích thước lớn.

– Phương pháp này được thực hiện qua đường “tự nhiên” của cơ thể (đường niệu đạo). Vì thế, người bệnh sẽ không có vết mổ, không bị đau, không để lại sẹo.

– Thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí sau tán sỏi, người bệnh nhanh chóng phục hồi, trở lại công việc hằng ngày.

Tán sỏi bàng quang cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ tốt nhất cho chẩn đoán và điều trị. Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã áp dụng đầy đủ các phương pháp điều trị bệnh sỏi tiết niệu trong đó có sỏi bàng quang theo từng giai đoạn. Hãy đến thăm khám để được tư vấn và điều trị sỏi thận – tiết niệu với các bác sĩ tiết niệu giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp hoặc có thể gọi điện liên hệ qua số ĐT: 02252.658638 để được tư vấn và biết thêm chi tiết.

BS.CKII Bùi Vân Tùng – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu và Nam học

Bùi Thảo

 



BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT TIỆP

CƠ SỞ 1: Số 1 đường Nhà Thương

P. Cát Dài – Q. Lê Chân – Tp. Hải Phòng

CƠ SỞ 2: An Đồng

H. An Dương – Tp. Hải Phòng




KẾT NỐI

Fanpage Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp


Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Cơ Sở 2




BẢN ĐỒ
medicare-logo-white

Sed magna nulla, pulvinar vel ante vel, fringilla vulputate nibh. In placerat facilisis tincidunt. Integer quis erat dictum, placerat massa non, bibendum ante. Duis aliquet tellus magna, quis egestas enim vulputate sed. Phasellus in dui malesuada, lacinia urna sed.

Bản quyền website thuộc về Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp 2022.