Thứ 2 - Thứ 607:00-17:00HOTLINE:1900 23.23.61

Y học thường thức / Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

t4-1200x881.jpg

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật u màng não có kích thước khổng lồ. Theo đó, người bệnh V.T.H địa chỉ Vạn Mỹ, Ngô Quyền, Hải Phòng vào viện với biểu hiện đau đầu nhiều ngày uống thuốc không đỡ. Trước đó, người bệnh chưa hề phát hiện bệnh lí về sọ não. Sau khi được thực hiện các xét nghiệm lâm sàng cần thiết, chụp cộng hưởng từ kết quả cho thấy người bệnh có một khối u màng não vùng hố thái dương trái với kích thước rất lớn khoảng 50mm x 70mm.

(Hình ảnh: Chụp cộng hưởng từ sọ não của người bệnh)

Nhận định đây là ca bệnh khó, khối u ở vị trí sâu đã xâm lấn xoang hang và chỗ bao động mạch cảnh trong nên việc thực hiện phẫu thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải khéo léo, tỉ mỉ để đạt kết quả tốt nhất. Kíp các bác sĩ Khoa Ngoại Phẫu thuật Sọ não – Cột sống đã tiến hành mở xương sọ, màng cứng, bóc tách vỏ não để lộ khối u, sau đó sử dụng kính vi phẫu lấy toàn bộ khối u ra ngoài, đảm bảo an toàn cho vùng não lành. Ca phẫu thuật được thực hiện trong 8 giờ diễn ra thuận lợi, thành công. Sau mổ 1 ngày, người bệnh đã tỉnh hoàn toàn, tự ăn uống và đã bắt đầu tập ngồi và tập đi.

(Các bác sĩ BVHN Việt Tiệp tiến hành phẫu thuật vi phẫu sọ não cho người bệnh)

Theo chia sẻ của TS.BS Đặng Việt Sơn – Trưởng Khoa Phẫu thuật Sọ não – Cột sống: “Khối u trong não của người bệnh rất lớn, phát triển vào sâu trong tổ chức não, nằm ở vùng sát với rất nhiều hệ thống mạch máu, nên nguy cơ chảy máu trong khi phẫu thuật là rất cao nên đòi hỏi sự tập trung cao độ, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê. Bên cạnh đó, người bệnh V.T.H đã được đưa đến Bệnh viện phẫu thuật kịp thời vì với các khối u não kích thước lớn, người bệnh cần được phẫu thuật lấy u càng sớm càng tốt do khối u phát triển sẽ chèn ép gây nên các triệu chứng lâm sàng như: đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, yếu hay liệt nửa người, co giật, rối loạn cảm giác và nặng hơn có thể khiến suy giảm ý thức, hôn mê thậm chí tử vong”.

(Niềm vui của người bệnh, gia đình người bệnh sau khi ca phẫu thuật thành công)

Chia sẻ cảm xúc của mình, con trai người bệnh cho biết sau khi mẹ được chẩn đoán bị bệnh u não cũng như được các bác sỹ tư vấn, giải thích, có chỉ định phẫu thuật, gia đình đã quyết định đề nghị phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Anh cho biết gia đình rất tin tưởng các y bác sĩ và yên tâm khi phẫu thuật tại Bệnh viện, tại đây cũng tiện cho việc chăm sóc, giúp giảm thời gian đi lại và kinh phí.

Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã ứng dụng hệ thống định vị thần kinh trong mổ (Navigation) và kính vi phẫu trong mổ (Micro-neurosurgery) trong phẫu thuật những khối u vùng nền sọ, các khối u nhỏ nằm sâu trong não mà không gây các tổn thương não lành xung quanh giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng điều trị cho người bệnh. Đồng thời, Bệnh viện đã trang bị thêm các hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 768 lát và chụp cộng hưởng từ 3.0, nên người bệnh được chẩn đoán xác định bệnh nhanh nhất, rút ngắn thời gian chờ đợi trong chẩn đoán bệnh.

Trong thời gian qua Bệnh viện đã triển khai phẫu thuật thành công rất nhiều ca bệnh u não, u màng não, các ca xuất huyết não do vỡ túi phình mạch máu, dị dạng mạch máu não,…cứu sống nhiều người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch. Việc làm chủ được phẫu thuật vi phẫu sọ não qua kính hiển vi đã giúp mở ra cơ hội cho người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất, được điều trị ngay tại Hải Phòng mà không phải chuyển tuyến trên, giúp giảm bớt thời gian và chi phí điều trị cũng như thêm tin tưởng vào năng lực chuyên môn, trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện nói riêng của thành phố Hải Phòng nói chung.

Qua trường hợp người bệnh TS.BS Đặng Việt Sơn khuyến cáo, khi có triệu chứng đau đầu kéo dài kèm theo thay đổi tính tình, thiếu sót vận động, người bệnh nên đi khám ở những bệnh viện có khả năng chẩn đoán được các khối u não và nên miêu tả rõ tình trạng bệnh lý của mình để bác sĩ có hướng xử trí hợp lý, kịp thời tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

TS.BS Đặng Việt Sơn – Trưởng Khoa Phẫu thuật Sọ não – Cột sống

Nguyễn Hà


Picture1-4.jpg

Vừa qua, Phòng khám Điều trị Y học cổ truyền theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp nhận trường hợp người bệnh nữ 76 tuổi, có tiền sử đau dây thần kinh số 5 nhánh hàm dưới cách đây 2 năm; trước ngày vào viện 2 tuần, người bệnh tái phát đau vùng hàm dưới bên trái, các cơn đau xuất hiện lan toả và dữ dội diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm, có lúc đau lan từ điểm góc hàm dưới sang điểm trước cằm như bị điện giật gây đau đớn nhiều, ảnh hưởng đến ăn uống và giấc ngủ của người bệnh. Người bệnh đã được chỉ định 7 lần điện châm kết hợp xoa bóp theo phác đồ thông kinh hoạt lạc, chỉ thống.

Sau 2 lần điều trị, người bệnh thấy triệu chứng giảm dần, tần suất cơn đau thưa dần, còn thấy đau về đêm, ban ngày gần như không còn đau nhiều. Người bệnh đã được điều trị tiếp tục theo phác đồ cũ và chỉ định thêm cứu ngải tại vùng hàm dưới. Qua 2 lần điều trị tiếp theo, cơn đau chỉ còn xuất hiện lúc gần sáng, người bệnh ngủ ngon hơn, nói chuyện, ăn cơm dễ dàng hơn. Tiếp tục điều trị đến ngày thứ 6, người bệnh chỉ còn cảm giác tức nặng tại vùng hàm dưới, gần như không còn đau nữa. Kết thúc đợt điều trị 7 ngày, người bệnh khoẻ hơn, ăn uống khá hơn, ngủ tốt hơn, vùng hàm dưới gần như không còn đau.

Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Thị Thuý – Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp: “Đau dây thần kinh số 5 do nhiều nguyên nhân gây nên. Ở người bệnh này, đã được chẩn đoán đau dây 5 cách đây 2 năm nhưng không rõ nguyên nhân. Người bệnh được điều trị theo phác đồ các huyệt châm tại chỗ và toàn thân nhằm mục đích thông kinh hoạt lạc, chỉ thống. Qua 2 ngày điều trị, đau chỉ còn xuất hiện về ban đêm khi thời điểm nhiệt độ thấp hơn ban ngày, tương ứng với yếu tố hàn thấp nhiều, kết hợp với thời điểm tái phát bệnh tương ứng cùng với đợt không khí lạnh tràn về trước đó, do đó bác sỹ điều trị xác định nguyên nhân dẫn đến tái phát bệnh chính là do phong hàn, do đó bác sỹ chỉ định thêm phương pháp cứu ngải, với tác dụng ôn kinh tán hàn. Những ngày tiếp theo, triệu chứng đau của người bệnh giảm nhanh chóng và khỏi bệnh. Điều này chứng tỏ phác đồ điều trị chính xác đã giúp người bệnh giảm thiểu sự đau đớn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Phòng khám điều trị Y học cổ truyền Theo yêu cầu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp địa chỉ phòng 319 – Tầng 3 nhà G, Khoa khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, số 1 Nhà Thương, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng hoạt động với phương trâm “Thân thiện – Trách nhiệm – Hiệu quả” cùng đội ngũ bác sĩ luôn ân cần, niềm nở, tận tâm, giàu kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại đã và đang điều trị hiệu quả cho rất nhiều trường hợp người bệnh có bệnh lý như trên, bên cạnh đó điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ – xương – khớp và thần kinh bằng các phương pháp trị liệu Y học cổ truyền, người dân hãy đến đây để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

TS.BS Nguyễn Thị Thuý – Khoa Y học cổ truyền

Nguyễn Hà


2-3.jpg

Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng mô trong suốt bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Khi bị bệnh đau mắt đỏ, phần tròng trắng (bề mặt nhãn cầu) của người bệnh có màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ, mi sưng, phù nề và khó mở mắt. Mắt bị viêm có dịch chảy ra hoặc đóng vảy trên lông mi hoặc mí mắt.

Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi đối tượng gồm trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây và lan rộng thành dịch nhất vào khoảng thời gian chuyển từ mùa hè sang mùa thu.

(ST)

  1. Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ và những triệu chứng thường gặp

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau mắt đỏ, trong đó một số nguyên nhân thường gặp và các triệu chứng đi kèm như:

Do virus: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh, với những triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt, có ghèn dây, mi sưng, cộm, giảm thị lực. Đối với bệnh viêm kết mạc do virus gây ra có thể dễ dàng lây lan thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nước mắt của người bệnh hoặc tiếp xúc giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi.

Do vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus,… Một vài triệu chứng điển hình như chảy nước mắt, ngứa, dính 2 mi mắt do có ghèn vàng hoặc vàng xanh nhạt vào buổi sáng lúc thức dậy. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như giảm thị lực không phục hồi, viêm loét giác mạc. Một người có thể bị lây đau mắt đỏ nếu tiếp xúc với dịch tiết nước mắt hoặc đồ dùng có dính dịch tiết nước mắt của người bệnh.

Do dị ứng: thông thường rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra dị ứng, có thể là do lông vật nuôi, thuốc, phấn hóa, bụi,…. Các triệu chứng của bệnh thường là ngứa và chảy nước mắt ở cả 2 mắt, có thể kèm theo viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do dị ứng thì không có khả năng lây lan.

  1. Phương pháp điều trị đau mắt đỏ đúng cách

Tùy vào tình trạng và nguyên nhân của bệnh mà có các phương pháp điều trị đau mắt đỏ như sau:

– Sử dụng thuốc đúng loại và đúng liều lượng theo đơn đã được kê của bác sĩ. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể kê những loại thuốc khác nhau như kháng viêm, kháng sinh, nước mắt nhân tạo, thuốc tra mắt,…

– Sử dụng thuốc tra mắt đúng cách: lưu ý không để đầu thuốc chạm vào mắt. Đối với thuốc tra dạng mỡ hoặc gel thì bôi vào khoảng 1cm cùng đồ mi dưới, với thuốc nước thì nhỏ từ 1 – 2 giọt.

– Để dễ dàng theo dõi diễn biến của bệnh thì nên tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc thấy mắt sưng hơn, đau hơn hay chảy máu thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong trường hợp thấy có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng, dân gian như nhỏ sữa mẹ, đắp hành củ, xông lá trầu,… Ngoài ra, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

  1. Phòng tránh bệnh đau mắt đỏ hiệu quả

– Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày.

– Vệ sinh mắt mỗi ngày với nước muối sinh lý 0.9%.

– Không dùng chung khăn mặt, mỗi người nên có một chiếc khăn mặt riêng.

– Tránh để các loại hóa chất như sữa tắm, dầu gội,… dây vào mắt

– Sử dụng kính chắn bụi, gió khi ra đường.

– Có chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây.

– Khi vào mùa dịch nên hạn chế tiếp xúc tại những nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài.

– Nên chọn những bể bơi sạch, đạt tiêu chuẩn khi đi bơi, đồng thời sử dụng kính bơi và rửa mắt với nước muối sinh lý 0.9% ngay sau khi bơi.

– Thường xuyên mở cửa thông gió và luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

– Nếu nhà có người bị đau mắt đỏ thì cần được cách ly hợp lý, ví dụ như đeo khẩu trang kể cả khi không ra ngoài, tuyệt đối không ôm hôn người khác nhất là trẻ em.

(ST)

Đau mắt đỏ tuy không nguy hiểm nhưng vẫn nên được điều trị sớm để tránh gây nhiều trở ngại đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, người bệnh nên đến ngay Phòng khám Mắt – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, địa chỉ: Số 1 đường Nhà Thương, P. Cát Dài, Q. Lê Chân, TP. Hải Phòng để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline: 02252 628 628.

BS CKI. Nguyễn Quốc Sơn – Phó Trưởng Khoa Mắt

Thu Hà


Picture1-1200x634.png

Vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao có thể đến 2-3% dân số. Vảy nến thông thường hay gặp nhất (chiếm 90%) với đặc trưng là sẩn, mảng đỏ rành giới rõ, trên có nhiều vảy trắng, dễ bong từ vài milimet đến mảng lớn, phân bố đối xứng. Ngoài ra tổn thương trên, trong vảy nến còn gặp tổn thương móng, khớp và có thể gặp các thể đặc biệt như vảy nến thể mủ hay đỏ da toàn thân. Bệnh gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

  1. Vảy nến điều trị như thế nào

Điều trị bệnh vảy nến bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân và liệu pháp ánh sáng.

Tại chỗ có thể sử dụng các thuốc như mỡ salicylic, corticoid, dẫn xuất của vitamin D (calcipotriol), vitamin A acid, kem dưỡng ẩm.

Điều trị toàn thân bao gồm các thuốc sau: methotrexat, vitamin A acid, cyclosporine, thuốc sinh học vv…

Thuốc sinh học dùng trong vảy nến bao gồm inflixamab (remicade), adalimumab (Humira), Secukinumab (Fraizeron)..có hiệu quả cao, khá an toàn nhưng giá thành cao. Liệu pháp ánh sáng điều trị bệnh vảy nến gồm PUVA (kết hợp psoralen và chiếu tia UVA) và chiếu UVB dải hẹp.

Điều trị bằng tia UVB dải hẹp được coi là lựa chọn hàng đầu trong điều trị vảy nến thể mảng trung bình và nặng với tổn thương da >10% diện tích cơ thể ở trẻ em và người lớn

  (Ảnh A, B: Tổn thương da của vảy nến thường)

  1. UVB dải hẹp và tác dụng lên vảy nến

UVB dải hẹp (Narrow Band UVB – NBUVB) là phương pháp sử dụng tia tử ngoại, có bước sóng 313 ± 2nm chiếu toàn thân trong điều trị một số bệnh da, đặc biệt là bệnh vảy nến. Dải bước sóng hẹp này giúp tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ so với bước sóng từ 290-320 nm của tia UVB thông thường. Tác dụng điều trị của UVB dải hẹp với vảy nến là do giảm các cytokin viêm và tế bào T và giảm tăng sinh tế bào sừng.

Quy trình điều trị vảy nến bằng UVB dải hẹp:

  • Chuẩn bịđèn chiếu, buồng chiếu UVB dải hẹp.
  • Xác định liều đỏ da tối thiểu hoặc liều theo type da của từng người bệnh.
  • Điều chỉnh liều theo mức độ đỏ da ở các lần chiếu tiếp theo. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt, làm việc bình thường sau khi chiếu.
  • Liệu trình điều trị 2-5 buổi/tuần tuỳ người bệnh cho đến khi đạt hiệu quả hoặc đủ 30 liều chiếu thì giảm liều.

Tại Khoa Da liễu Bệnh viện Hữu Nghị Việt tiệp đã triển khai các phương pháp mới điều trị vảy nến như thuốc sinh học Humira, Fraizeron và đang triển khai kỹ thuật chiếu UVB dải hẹp. Để được tư vấn kỹ hơn về các phương pháp điều trị này, các bạn có thể:

  • Đến khám tại Phòng khám Khoa Da liễu Bệnh viện Hữu Nghị việt Tiệp

Địa chỉ: số 1 phố Nhà Thương, phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.

Điện thoại: 0225.6262.529

  • Hoặc trao đổi qua phần tin nhắn của trang facebook “Khoa Da liễu- Bệnh viện Việt Tiệp

BS CKII Nguyễn Thị Xuân Hương – Trưởng Khoa Da liễu

 


12.jpg

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, tầm soát ung thư giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ngay cả khi số người mắc ung thư tăng lên. Các chương trình tầm soát ung thư có tiềm năng rất lớn để cải thiện ung thư, có thể giảm tỷ lệ tử vong và thậm chí ngăn ngừa một số bệnh ung thư.

So với việc điều trị ung thư gây nhiều đau đớn tổn hại về mặt tinh thần cũng như sức khỏe người bệnh, thì tầm soát ung thư là một cách chủ động phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhờ vào phương pháp khoa học hiện đại, giúp người bệnh tránh những rủi ro không đáng có.

 (Phòng khám Sàng lọc phát hiện sớm ung thư, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)

1. Tầm soát ung thư là gì

Tầm soát ung thư là khám lâm sàng và sử dụng các xét nghiệm tầm soát có thể giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khi ung thư được phát hiện sớm tạo thuận lợi cho việc điều trị cũng như chữa khỏi ung thư có thể dễ dàng hơn. Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã phát triển và lan rộng làm cho bệnh ung thư khó điều trị hoặc chữa khỏi hơn.

2. Đối tượng cần tầm soát ung thư

Với chế độ ăn uống vận động thiếu lành mạnh, liên tục tiếp xúc với nhiều tác nhân nguy hại thì tỷ lệ ung thư đang ngày càng trẻ hóa. Không chỉ đối với những người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ cũng dễ mắc ung thư, vì vậy bất kì ai cũng đều nên tiến hành việc tầm soát ung thư định kì.

Đặc biệt, những đối tượng sau được các bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư định kỳ:

  • Có tiền sử cá nhân, tiền sử gia đình liên quan đến bệnh ung thư;
  • Thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như khói thuốc lá, hóa chất nơi làm việc…;
  • Mắc các bệnh lý mãn tính;
  • Có chế độ ăn uống thiếu khoa học, chế độ sinh hoạt rối loạn, ít vận động, thường xuyên bị căng thẳng và mệt mỏi…3.Các xét nghiệm tầm soát ung thư

3. Các xét nghiệm tầm soát ung thư

Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư, mỗi loại tầm soát ung thư có những xét nghiệm tầm soát nhất định. Tổng quan có thể chia thành các nhóm sau:

  • Khám sức khỏe và tiền sử: Giúp kiểm tra sức khỏe tổng quát, các dấu hiệu bệnh lý như: những nốt, sang thương hoặc bất cứ thứ gì không giống với bình thường.

(Người bệnh được thăm khám bởi chuyên gia ung bướu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)

  • Xét nghiệm: Xét nghiệm máu nhằm phát hiện ra các dấu ấn ung thư – một loại protein đặc biệt được tạo ra từ tế bào ung thư hoặc tế bào bình thường trong cơ thể đáp ứng với trường hợp ung thư. Ví dụ như đối với ung thư gan thì dấu ấn ung thư là AFP, ung thư tụy là CA19-9, ung thư đại tràng là CEA, ung thư phổi là CYFRA 21-1, ung thư buồng trứng là CA 125…
  • Chẩn đoán hình ảnh: Những phương tiện tạo ra hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể, giúp khảo sát các bất thường về mặt cấu trúc và chức năng của những cơ quan đó, qua đó gợi ý những hình ảnh sớm nhất có thể của khối u. Một số phương pháp thăm khám thường sử dụng như: siêu âm, chụp X- quang, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI, nội soi…
  • Xét nghiệm di truyền: Là những xét nghiệm để tìm các đột biến gen có liên quan đến một vài loại ung thư. Việc xét nghiệm gen ngày càng đóng vai trò lớn hơn và đem lại hiệu quả cao đặc biệt trong việc sàng lọc ung thư. Các xét nghiệm thường được làm gồm đột biến K-RAS, EGFR, BRCA, ALK, PARP, PIKA2 ngoài ra các dấu ấn miễn dịch như PDL1, PD1 cũng được làm nếu xác định có tế bào ung thư.

4. Tầm soát ung thư tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

Nhận thấy vai trò quan trọng của việc khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng đã triển khai dịch vụ khám tầm soát phát hiện sớm ung thư cũng như tư vấn theo dõi dự phòng ung thư, bước đầu đáp ứng nhu cầu thiết thực cũng như góp phần nâng cao nhận thức tự bảo vệ cho người dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Đến với Phòng khám Sàng lọc phát hiện sớm ung thư, người dân sẽ được đội ngũ bác sĩ chuyên gia ung bướu với trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực hiện thăm khám, tư vấn tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý ung thư thường gặp như: Ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư vú – phụ khoa, ung thư đường tiêu hóa (đại tràng, dạ dày, trực tràng), ung thư hầu – họng,…

(Người bệnh được khám tư vấn tận tình bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung bướu tại Phòng khám Sàng lọc phát hiện sớm ung thư, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)

Bên cạnh đó, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính 768 dãy, máy chụp cộng hưởng từ 3.0 hiện đại bậc nhất khu vực, hệ thống máy siêu âm, máy xạ trị gia tốc, hệ thống can thiệp mạch, hệ thống xét nghiệm giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử,… giúp phát hiện, chẩn đoán chính xác nhanh chóng bệnh lý ung thư.

(Các xét nghiệm phát hiện ung thư được tiến hành tại Khoa Xét nghiệm Y học – Sinh học phân tử Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)

Phòng khám Sàng lọc phát hiện sớm ung thư kết hợp với Khoa Xét nghiệm Y học – Sinh học phân tử triển khai các gói sàng lọc ung thư bằng công nghệ gen thế hệ mới giúp phát hiện nguy cơ mắc 5 bệnh ung thư thường gặp ung thư: phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú chính xác; gói xét nghiệm gen hỗ trợ cho quá trình điều trị đích; gói xét nghiệm khảo sát tổn thương tối thiểu của một số bệnh ung thư sau phẫu thuật triệt căn nhằm giúp bác sĩ lâm sàng đưa ra kế hoạch điều trị bổ trợ. Tất cả đều được kiểm định và được công nhận trên toàn quốc. Đây cũng là dự án ấp ủ nhiều năm và thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bệnh viện nhằm phục vụ nhân dân Hải Phòng tốt hơn.

Cũng nhờ đó rất nhiều người bệnh được chẩn đoán sớm điều trị chính xác như trường hợp người bệnh nữ 65 tuổi đau nhẹ và căng tức vùng ngực đã đến thăm khám tại phòng khám, làm xét nghiệm phát hiện vú trái: vị trí ¼ dưới, trong có khối kích thước 1.5cmx1cm, chắc, ấn đau nhẹ, di động được; Siêu âm vú: Mô tuyến vú trái vị trí 7h và 8h cách núm vú 4cm có 2 nhân giảm âm, bờ không đều kích thước 10x9mm; 1/4 dưới trong có vùng giảm âm, ranh giới không rõ kích thước 16x8mm, có vi vôi hóa, không hạch nách (Birads 4b), Vị trí 8h: có nhân nhỏ, chưa rõ tính chất; Chọc u vú: U xơ tuyến vú quá sản mạnh tế bào. Các marker sàng lọc: CA 15 -3, CEA, CA7-24 bt, CA125 trong giới hạn bình thường.

Người bệnh được nhập viện Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp điều trị, được hội chẩn phẫu thuật cắt một phần tuyến vú, sinh thiết tức thì trong phẫu thuật, kết quả giải phẫu bệnh carcinoma đã được chuyển phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú cải biên, vét hạch nách. Giải phẫu bệnh sau phẫu thuật: ung thư biểu mô thể ống xâm nhập, 1/6 hạch nách di căn. Chẩn đoán: ung thư vú T pT2N1M0. Xét nghiệm hóa mô miễn dịch: ER/PR +++,  Her2: (-). Người bệnh đã được chăm sóc hậu phẫu ổn định và xuất viện. Hiện tại người bệnh đang được điều trị phác đồ hóa chất bổ trợ sau phẫu thuật tại Trung tâm Ung bướu. Như vậy, khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, với hệ thống khám và điều trị bệnh bài bản, người bệnh có hy vọng được điều trị khỏi, chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Người dân có thể đến đăng ký khám bệnh trực tiếp tại Phòng khám Sàng lọc phát hiện sớm ung thư, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, địa chỉ: Phòng 219 Tầng 2 nhà G, Khoa Khám bệnh đa khoa, (số 1 đường Nhà Thương, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng)

Hoặc gọi theo số điện thoại hotline: 0982853186/ 0989970012/ 0947195968 để được tư vấn cụ thể và đặt lịch khám.

TS.BS Trần Quang Hưng – Giám đốc Trung tâm Ung bướu,

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

 


2-1.jpg

Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe và là một quá trình sinh lý quan trọng của cơ thể người, nội tiết – chuyển hóa, tác động mạnh mẽ đến điều hòa hoạt động hệ thần kinh, tim mạch – hô hấp, miễn dịch…. thông qua các cơ chế thần kinh và thể dịch. Thực trạng hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên, con người ngày càng quan tâm tới sức khỏe và giấc ngủ hơn.

Theo viện Y học giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) để có một sức khỏe tối ưu thì người trưởng thành cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày. Ngủ không đủ hay ngủ quá nhiều hơn thời gian này cũng như chất lượng giấc ngủ không tốt đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

(ST)

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan và các bệnh lý của các hệ cơ quan có thể làm thay đổi cấu trúc và chất lượng giấc ngủ. Các rối loạn giấc ngủ thường gặp: ngủ ít – thiếu ngủ, ngủ ngáy – ngừng thở khi ngủ, mất ngủ. Ngoài ra còn có 1 số rối loạn giấc ngủ khác ít gặp hơn như: rối loạn cử động chi trong khi ngủ, ngủ rũ, rối loạn cận giấc ngủ.

Hiện nay theo nhiều thống kê, có khoảng 10-30% dân số thế giới bị mất ngủ. Tại Việt Nam tuy chưa có thống kê quốc gia nhưng cũng giống như các nước trong khu vực và nhất là sau đại dịch Covid-19 thì tỷ lệ dân số bị mất ngủ ở nước ta cũng không nhỏ.

  1. Triệu chứng mất ngủ như thế nào?

– Khó khởi đầu và/hoặc duy trì giấc ngủ, hoặc thức giấc quá sớm kết hợp với rối loạn chức năng ban ngày.

– Theo ICSD -3 (Phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ):

  • Cấp tính và mãn tính
  • Bệnh nhân khó khởi đầu, khó duy trì giấc ngủ
  • Hoặc thức giấc sớm buổi sáng tối thiểu 3 đêm/tuần
  • Xảy ra dù cơ hội và hoàn cảnh ngủ hoàn hảo
  • Nếu mất ngủ kéo dài trên 3 tháng: mãn tính
  1. Nguyên nhân gây mất ngủ

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố gây mất ngủ, trong đó những nguyên nhân thường gặp là:

– Thói quen sinh hoạt không khoa học: sử dụng các chất kích thích, lạm dụng rượu bia, ăn quá no vào buổi tối…

– Vấn đề tâm lý: áp lực công việc, stress, đau buồn khi mất người thân, mất việc…

– Thay đổi nhịp sinh học: đến những nơi có lệc múi giờ hay người làm việc theo ca…

– Mắc các bệnh nội khoa: tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim); hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen); nội tiết (suy giáp, cường giáp); tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản); thần kinh (sa sút trí tuệ, parkinson); đau mãn tính (đau thần kinh, viêm khớp, ung thư,…); tiết niệu (tiểu đêm, phì đại tiền liệt tuyến); giấc ngủ (rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ, hội chứng chân không yên, rối loạn hành vi giấc ngủ REM), tâm thần (trầm cảm, lạm dụng thuốc và chất gây nghiện).

– Sử dụng thuốc: tâm thần (chống trầm cảm, SSRIs, SNRIs, Methylphenidate, Modafinil, thuốc ức chế Cholinesterase, Galantamine); tim mạch (ức chế men chuyển, chẹn beta, chẹn alpha, chẹn kênh canxi, statine); hô hấp (Salbutamol, Theophylin); thần kinh (thuốc đồng vận Dopamin, Levodopa); tiêu hóa (kháng H2 như Ranitidine, Cimetidine); giảm đau (sử dụng opioid kéo dài), khác (caffeine, Nicotine, Glucocorticoid).

– Tuổi tác: thời gian ngủ thay đổi theo tuổi, nhu cầu ngủ nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giảm dần khi trưởng thành và ít khi có tuổi.

(ST)

  1. Mất ngủ có tác hại thế nào?

Mất ngủ thoáng qua hay mạn tính đều gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Người mất ngủ thường xuyên mệt mỏi, không có năng lượng để làm việc, giảm hiệu quả công việc, thay đổi tính cách, tâm trạng bất thường, khó kiểm soát cảm xúc, buồn ngủ do thiếu ngủ làm tăng nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông hay khi đang làm việc, bên cạnh đó làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, nội tiết.

  1. Điều trị mất ngủ như thế nào?
  • Điều trị không dùng thuốc:

– Vệ sinh giấc ngủ:

+ Tránh ngủ ngày

+ Chỉ sử dụng giường để ngủ, không đọc sách, xem tivi…

+ Tránh dùng rượu, bia, thuốc lá trước khi ngủ

+ Tránh tập luyện quá mức trước khi ngủ

+ Giới hạn thời gian nằm thao thức (thức dậy nếu hơn 20 phút vẫn chưa ngủ và lên giường lại khi đã buồn ngủ)

+ Không nhìn đồng hồ

+ Thiết lập chế độ thức ngủ đều đặn

+ Tránh ánh sáng mạnh vào ban đêm và nhiều ánh sáng vào buổi sáng

– Liệu pháp nhận thức hành vi CBT:

+ Kiểm soát kích thích (chỉ lên giường khi buồn ngủ)

+ Thư giãn cơ tuần tự (căng và giãn cơ từ trên xuống dưới)

+ Phản hồi sinh học (nhận biết mức độ thức tỉnh qua phản hồi từ da, cơ và điện não)

+ Trị liệu nhận thức (loại bỏ các tư tưởng cũng như thái độ sai lầm về giấc ngủ)

+ Giáo dục vệ sinh giấc ngủ (hiểu mối tương quan giữa mội trường, lối trường và giấc ngủ)

Bên cạnh đó, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 thiền trị liệu, âm nhạc trị liệu, hương trị liệu cũng đang là hướng điều trị mới không dùng thuốc để điều trị mất ngủ.

  • Điều trị dùng thuốc:

Các nhóm thuốc hiện đang sử dụng để điều trị mất ngủ bao gồm: nhóm Z-drugs, Benzodiazepine, Melatonin đồng vận, Đối vận orexin kép, Chống trầm cảm, Chống loạn thần, Kháng histamine H1, Thuốc chống co giật. Tuy nhiên thuốc nhiều tác dụng phụ, nên cần phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa Y học giấc ngủ.

                                                                         Ths.Bs Vũ Thị Nhinh – Khoa Nội 4



Nhắc đến đột quỵ não, thì vấn đề sống còn của người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Song trên thực tế, bên cạnh những vấn đề đó thì tàn phế cũng là kết cục nặng nề trên người bệnh khiến các bác sĩ trong chuyên ngành Đột quỵ luôn quan tâm và trăn trở. Căn bệnh này để lại nhiều gánh nặng cho xã hội, tăng tỷ lệ tái nhập viện và chi phí chăm sóc người bệnh. Hiện nay, tỷ lệ tử vong của người bị đột quỵ chiếm 15 – 20% trong tổng số ca mắc, nhưng tỷ lệ bị tàn phế chiếm đến 50%, chỉ 30% còn lại may mắn được trở lại bình thường như trước đột quỵ. Can thiệp mạch não kịp thời trong “giờ vàng” chính là cơ hội quý giá giúp cứu chữa người bệnh trước nguy cơ tử vong và các biến chứng gây tàn phế.

Với vai trò là bệnh viện tuyến cuối tại thành phố Hải Phòng trong công tác khám chữa bệnh cho người dân Khoa Đột quỵ bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã can thiệp cứu sống kịp thời cho rất nhiều trường hợp người bệnh trong đó kể đến trường hợp người bệnh cao tuổi T.X.N 72 tuổi, địa chỉ Lê Chân, Hải Phòng. Được biết người bệnh ở nhà đột ngột đau đầu, liệt nửa người trái, nói khó. Người bệnh  có tiền sử đặt setnt mạch vành cách đây 3 năm, tăng huyết áp rối loạn chuyển hóa lipid. Người bệnh đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Tại Bệnh viện các y bác sĩ đã nỗ lực chay đua với thời gian để cứu sống người bệnh, đồng thời hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra như yếu liệt nửa người, lú lẫn, xẹp phổi, mất khả năng vận động,… Người bệnh đã được nhanh chóng làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên phải. Người bệnh đã đươc can thiệp lấy huyết khối mạch máu não bằng dụng cụ cơ học.

Ngay sau can thiệp người bệnh đã có thể vận động tốt tay chân bên trái nói rõ hơn. Hiện tại, tình trạng của người bệnh đã ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Đột quỵ. Trường hợp người bệnh T.X.N cũng là một trong số nhiều ca bệnh đột quỵ khó, cao tuổi được can thiệp mạch não thành công kịp “giờ vàng” tại Khoa

(Hiện tại sức khỏe của người bệnh đã ổn định không liệt, vận động tốt tay chân và nói rõ hơn)

Theo TS.BS Phùng Đức Lâm – Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết: “Thời gian vàng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết chỉ nằm trong 4.5 giờ, thông thường là 3 giờ đầu. Những người bệnh nhập viện sau 4.5 giờ thì gần như không được dùng thuốc tiêu sợi huyết vì sử dụng thuốc sau 4.5 giờ, tính hiệu quả của thuốc sẽ giảm. Đối với người bệnh bị tắc động mạch lớn vào sau 4.5 giờ, sẽ được lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ cơ học vào mạch máu não để lấy cục huyết khối ra. Cửa sổ thời gian của kỹ thuật này dài hơn và nó có thể kéo dài trong 6 giờ. Mức độ phục hồi sau tiêu sợi huyết và lấy huyết khối phụ thuộc vào thời gian đến sớm, nếu người bệnh đến can thiệp muộn sẽ có thể gây biến chứng phù não hay chảy máu lúc này phải phẫu thuật sọ giảm áp tuy nhiên vẫn để lại di chứng một số di chứng cho người bệnh.

Vì vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ cũng như  kiểm soát các yếu tố nguy cơ với đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ,… bằng cách sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng hoặc đổi thuốc, đồng thời, vận động, tập luyện thể thao đều đặn, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh,…khi có dấu hiệu đột quỵ người bệnh được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp can thiệp trong “giờ vàng” là cơ hội cứu sống người bệnh trước nguy cơ tử vong và các biến chứng tàn phế khác”.

TS.BS Phùng Đức Lâm – Trưởng Khoa Đột quỵ

Nguyễn Vương Anh – Khoa Đột quỵ

Nguyễn Hà


a.jpg

Cơn đau gối xuất hiện báo động tình trạng trầm trọng của bệnh thoái hóa khớp gối, là “kẻ thù thầm lặng” của sức khỏe. Bệnh thoái hóa khớp gối diễn biến nhiều giai đoạn, ở giai đoạn đầu tiên sẽ không gây ra cảm nhận cơn đau rõ ràng cho người bệnh vì lớp sụn mới chỉ bị bào mòn một phần nhỏ không đáng kể.

Dấu hiệu sớm nhất để nhận biết thoái hóa khớp gối là đau mặt trước khớp gối, xuất hiện tiếng kêu lạo xạo khi gấp duỗi nhưng nhiều người thường chủ quan và bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không sớm điều trị khi bệnh đã tiến triển nặng hơn, dẫn tới những hạn chế về khả năng vận động, gây cứng khớp, biến dạng khớp hay gây đau ngay từ biên độ di chuyển nhỏ nhất. Hãy cùng tìm hiểu một số sự thật quan trọng mà bạn cần biết về căn bệnh thoái hóa khớp gối.

  1. Độ tuổi mắc thoái hóa khớp gối có xu hướng trẻ hóa

Ngoài các nguyên nhân như giới tính, chấn thương, sử dụng corticoid không đúng cách hay do một số bệnh lý khác như gout, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp…, tuổi tác là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối.

Bệnh thoái hóa khớp gối thường xuất hiện ở độ tuổi 40-50 nhưng hiện nay, nó đã không còn là câu chuyện riêng của tuổi già. Số lượng người trẻ mắc bệnh đang tăng lên một cách nhanh chóng do môi trường sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh và chế độ ăn uống không khoa học.

  1. Thoái hóa khớp gối không thể khỏi hoàn toàn

Khác với những căn bệnh khác, khớp gối đã thoái hóa không thể được chữa trị hoàn toàn. Người bệnh buộc phải “chung sống” và tìm cách khắc phục bằng những biện điều trị nội khoa và ngoại khoa như tiêm thuốc hỗ trợ, tiêm giảm đau, phẫu thuật, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng,…

Các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào ngăn chặn quá trình phát triển của bệnh, giảm đau, phục hồi chức năng vận động của khớp gối; ngăn ngừa khớp biến dạng; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

  1. Phục hồi chức năng là phương pháp có hiệu quả lâu dài

Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc giảm đau, tiêm corticosteroid, axit hyaluronic hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên việc này có thể kèm theo một số tác dụng phụ, biến chứng như teo cơ, teo gân, tăng khả năng nhiễm trùng. Vậy nên thay vì phụ thuộc vào các phương pháp giảm đau tạm thời, nhanh chóng thì việc cải thiện bằng các phương pháp vật lý trị liệu và các bài tập phục hồi chức năng, duy trì vận động với sự hỗ trợ của chuyên gia sẽ giúp người bệnh phục hồi một cách chủ động, kéo dài thời gian giữa các cơn đau, không bị tác dụng phụ bởi thuốc.

(Người bệnh tập vận động trị liệu tại Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)

(Điều trị bằng tia hồng ngoại)

(Điều trị bằng siêu âm)

(Điều trị bằng các dòng điện xung)

Tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viên Hữu nghị Việt Tiệp (Tầng 4, nhà G, số 1 đường Nhà Thương) đã tiến hành khám, tư vấn và điều trị hiệu quả cho rất nhiều người bệnh thoái hóa khớp gối cũng như phục hồi chức năng các bệnh lý cơ xương khớp, đột quỵ não, sau chấn thương,… Người bệnh sẽ được hướng dẫn tập luyện một cách bài bản, cá thể hóa tùy theo tổn thương, mức độ bệnh và thể trạng để đạt được kết quả khả quan nhất.

Ths.BS Bùi Thị Bích Ngọc – Trưởng khoa Phục hồi chức năng

 


c.jpg

Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động, có thể gặp cả ở người lớn và trẻ em, có xu hướng ngày càng tăng. Bỏng không những gây ảnh hưởng tổn hại trước mắt tới sức khỏe mà còn để lại những hậu quả lâu dài, đặc biệt ở trẻ em. Việc xử trí đúng ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, làm diễn biến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng.

Ảnh: Tổn thương bỏng

1. Sơ cứu bỏng

1.1. Mục đích của sơ cấp cứu bỏng

– Nhanh chóng loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi cơ thể.

– Hỗ trợ khẩn cấp những tình trạng gây ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

– Hạn chế đến mức tối thiểu mức độ ô nhiễm tổn thương bỏng.

1.2. Sơ cứu tại chỗ với bỏng nhiệt

+ Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người nạn nhân, cởi bỏ quần áo bị cháy.

+ Bước 2: Nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch

Thời điểm ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng.

Vì là cấp cứu nên cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn, nhiệt độ khoảng 16-20 độ C. Kết hợp nhanh chóng cởi bỏ quần áo chật, nhẫn, đồng hồ trước khi phần cơ thể bị bỏng sưng nề. Thời gian ngâm rửa từ 15 – 30 – 45 phút (thường tới khi hết đau rát).

Giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng. Đối với trẻ em, người già, khi thời tiết lạnh nên giảm bớt thời gian ngâm rửa đề phòng nhiễm lạnh.

+ Bước 3: Che phủ tạm thời vết bỏng

Che phủ vùng bỏng bằng vật liệu sạch: gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn, … sạch để quấn phủ lên, sau đó băng ép nhẹ bằng băng sạch. Với vùng mặt và sinh dục chỉ cần phủ một lớp gạc.

+ Bước 4: Bù nước, điện giải sau bỏng

Cho uống nước Oresol nếu nạn nhân không nôn, không chướng bụng, vẫn tỉnh táo. Có thể cho uống nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước hoa quả, cho trẻ bú bình thường.

+ Bước 5: Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc chuyên môn

1.3. Sơ cứu bỏng điện:

             

Những chú ý quan trọng khi cấp cứu bỏng điện:

  • Nhanh chóng cắt hoặc đẩy nạn nhân khỏi tiếp xúc với nguồn điện.
  • Không được dùng tay không chạm vào người nạn nhân đến khi cắt được nguồn điện.
  • Khi nạn nhân ngừng thở, ngừng tim: cấp cứu ngay lập tức tại nơi xảy ra tai nạn.
  • Vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất theo dõi đến khi ổn định mới xử lý vết thương bỏng.

1.4. Sơ cứu bỏng hóa chất:

Sơ cứu tương tự như trong trường hợp bỏng nhiệt tuy nhiên cần thêm việc trung hòa tác nhân gây bỏng. Thao tác này chỉ tiến hành sau khi đã ngâm rửa vết bỏng bằng nước sạch. Trung hòa ngay có thể làm nặng thêm tổn thương do phản ứng sinh nhiệt. Không được dùng base hoặc acid mạnh. Cụ thể: Với bỏng do kiềm, vôi tôi: có thể dùng nước vắt chanh, dấm ăn, nên dùng các dung dịch đường (Glucose, đường ăn, đường mía, …) do dễ kiếm và dùng được với khối lượng lớn. Với bỏng do acid: dùng nước xà phòng hoặc Natri bicarbonate 2-3%…

2. Những việc không nên làm khi sơ cứu bỏng:

– Không sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co lại khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn.

– Không bôi những loại truyền miệng như nước mắm, củ chuối,… Đây là những điều phản khoa học và không nên thực hiện theo, chúng chỉ khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn. Bôi kem đánh răng lên chỗ bị bỏng là một quan niệm sai lầm, trong kem đánh răng có chứa một lượng ít base, khi thoa lên vùng bỏng chỉ khiến người bệnh đau đớn hơn.

– Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Sau khi sơ cứu thì việc cần thiết nhất là đến cơ sở y tế để điều trị và phòng tránh biến chứng sau bỏng. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám, xin liên hệ: Khoa Ngoại Bỏng – Tạo hình (Khoa Ngoại 11) – tầng 2 nhà A, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp – Số 1 Nhà Thương, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng. Số điện thoại: 02252 888 123.

Ts.BsCKII Nguyễn Hồng Đạo – Trưởng khoa Ngoại bỏng và tạo hình



Viêm gân cổ tay là một nhóm các bệnh lý viêm các bao gân, điểm bám gân vùng cổ tay (bao gân dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, điểm bám gân mỏm trâm quay, mỏm trâm trụ, gân gấp cổ tay, gân duỗi cổ tay…) do chấn thương hoặc sự thoái hóa gân cơ ở người lớn tuổi. Tình trạng này sẽ làm suy giảm chức năng gân và hạn chế hoạt động tay ở người bệnh. Vì thế, bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.

Viêm gân cổ tay không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh cần phải lưu ý thực hiện điều trị bệnh ngay khi phát hiện những triệu chứng của bệnh. Việc này giúp giảm thiểu tình trạng bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng đến gân cổ tay, gây khó khăn cho người bệnh trong các hoạt động thường ngày.

(ST)

1.Triệu chứng viêm gân cổ tay thường gặp

Viêm gân cổ tay gồm những triệu chứng khá rõ ràng để nhận biết, tuy nhiên cũng dễ bị bỏ qua trong thời gian đầu phát bệnh. Những triệu chứng của bệnh thường gặp gồm:

  • Khó cử động bàn tay và cổ tay, đặc biệt là những động tác xoay cổ tay như mở bình nước, xoay nắm cửa hoặc nâng vác
  • Cảm giác căng cơcứng khớp khi hoạt động tay
  • Sưng gân cổ tay
  • Đau cổ tay, cơn đau dọc từ cổ tay đến ngón cái hoặc ngón út
  • Ở một số trường hợp, người bệnh cũng có thể bị sốt.
  1. Nguyên nhân viêm gân cổ tay

Nguyên nhân dẫn đến viêm gân cổ tay ở người trẻ thường là những vi chấn thương (các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn của cổ tay…) hoặc các chấn thương có sự tác động đột ngột vào vị trí cổ bàn tay. Bệnh cũng có thể là hậu quả của tình trạng căng cơ, cứng khớp kéo dài không điều trị hoặc tái phát nhiều lần. Tình trạng này sẽ làm gân cổ tay dần dần mất đi khả năng hoạt động và gây viêm sưng cho gân hoặc bao gân.

(ST)

Bên cạnh đó, sử dụng lực tay quá mức cũng được xem là nguyên nhân hàng đầu gây viêm gân cổ tay. Điều này thường xảy ra ở các vận động viên thể thao các bộ môn yêu cầu lực tay nhiều và người lao động nặng như khuân vác. Bao gân là một lớp mô có chất nhầy giúp các hoạt động của cổ và bàn tay trở nên dễ dàng. Việc sử dụng lực cổ tay quá mức sẽ làm kích thích bao gân, gây viêm sưng ở bao gân và gân.

  1. Những phương pháp điều trị viêm gân cổ tay gồm:
  • Chườm lạnh để giảm sưng và đau
  • Thực hiện luyện tập co duỗi theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Laser ,màu, siêu âm, xung điện kích thích thần kinh qua da
  • Sử dụng thuốc chống viêm NSAID
  • Tiêm tại chỗ viêm các thuốc chống viêm, Collagen hoặc  huyết tương giàu  tiểu cầu.
  • Can thiệp ngoại khoa.

Đối với những trường hợp gân cổ tay bị sưng tấy nặng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe,, người bệnh cần sớm đến gặp bác sĩ chuyên khoa cơ – xương – khớp để được thăm khám xác định chẩn đoán bệnh, nguyên nhân bệnh và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.

 Phòng khám chuyên khoa Nội Cơ – Xương – Khớp Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng (Phòng 213 tầng 2 nhà G – Khoa khám bệnh đa khoa – Hottline 0981.765.739 – 0225.2623.656) là địa chỉ tin cậy với đội ngũ y bác sĩ tận tâm giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng đón tiếp, tư vấn, thăm khám và điều trị cho người bệnh tận tình chu đáo.

BSCKII. Lương Đình Hạ – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp

Nguyễn Anh



BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT TIỆP

CƠ SỞ 1: Số 1 đường Nhà Thương

P. Cát Dài – Q. Lê Chân – Tp. Hải Phòng

CƠ SỞ 2: An Đồng

H. An Dương – Tp. Hải Phòng




KẾT NỐI

Fanpage Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp


Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Cơ Sở 2




BẢN ĐỒ
medicare-logo-white

Sed magna nulla, pulvinar vel ante vel, fringilla vulputate nibh. In placerat facilisis tincidunt. Integer quis erat dictum, placerat massa non, bibendum ante. Duis aliquet tellus magna, quis egestas enim vulputate sed. Phasellus in dui malesuada, lacinia urna sed.

Bản quyền website thuộc về Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp 2022.