Đứt gân Achilles hay đứt gân gót là tổn thương gân phần nối của bắp chân và gân gót. Loại cơ này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động đi lại, vận động (bật cao, chạy, nhảy xa,…). Bạn có thể nhận ra cử động rõ ràng nhất của gân Achilles này đó là khi kiễng gót chân lên để toàn bộ đầu ngón chân chịu lực của cơ thể. Trong trường hợp bị căng quá mức do phải chịu một tải lực quá lớn, gân gót chân có thể bị đứt một phần, thậm chí là toàn bộ gây ảnh hưởng đến chức năng di chuyển, gây tổn thương thứ phát đến các dây chằng và khớp vùng cổ chân, giảm khả năng lao động, hoạt động thể thao và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
(Hình ảnh: tổn thương gân Achilles sau tai nạn)
1. Nguyên nhân gây đứt gân Achilles
Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp dẫn đến đứt gân Achilles
- Rơi từ trên cao xuống và tiếp đất bằng gan bàn chân
- Đột ngột tăng cường độ khi chơi thể thao, nhất là những bộ môn có áp dụng động tác bật nhảy
- Viêm gót chân lâu ngày
- Bước hụt chân
2. Triệu chứng đứt gân Achiles?
Khi gân Achilles bị rách/đứt sẽ khiến người bệnh phải trải qua các cảm giác như:
- Đau nhói đột ngột vùng gót chân, đau tăng lên khi di chuyển
- Sưng nề, bầm tím vùng gót chân
- Bàn chân không thể uốn cong về phía gan chân;
- Ngay khi gân bị đứt, người bệnh có thể nghe thấy âm thanh bộp ở sau gót chân
3. Chẩn đoán
Việc chẩn đoán đứt gân Achilles dựa vào việc thăm khám lâm sàng thông qua các Test kết hợp với siêu âm tại chỗ hoặc chụp MRI để đánh giá chính xác mức độ thương tổn từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp cho mỗi người bệnh.
(Thăm khám người bệnh tổn thương gân Achilles)
(Đứt gân Achilles trên phim MRI)
4. Điều trị đứt gân Achilles tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tuỳ từng trường hợp người bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phẫu thuật hay bảo tổn
4.1. Điều trị đứt gân Achilles không phẫu thuật
Bao gồm những bước như sau:
- Chườm lạnh tại chỗ
- Đặt nẹp cố định cổ chân
- Đi lại cần có có nạng hỗ trợ
- Dùng thuốc giảm đau
Phương pháp này tránh những nhược điểm không mong muốn khi phẫu thuật, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đây không phải là giải pháp tối ưu do gân gót chân có thể không lành lại được hoặc thậm chí là đứt lại, vì thế mất khá nhiều thời gian để phục hồi.
4.2. Điều trị phẫu thuật
Tuỳ thuộc tổn thương của gân mà bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp phẫu thuật khác nhau như: Nối lại gân đứt, chuyển vạt V-Y kéo dài gân, ghép gân,…
(Hình ảnh: tổn thương của người bệnh trước và sau phẫu thuật đứt gân 6 tháng)
Các bác sĩ cũng khuyến cáo nếu thấy các dấu hiệu như kể trên nghi ngờ đứt gân Achilles, người bệnh nên đến khám bởi các bác sĩ chuyên khoa chấn thương để kịp thời xử trí, tránh biến chứng. Người bệnh có thể thăm khám trực tiếp tại Phòng khám Chấn thương – Chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, địa chỉ: Phòng 318, tầng 3, nhà G, Khoa Khám bệnh đa khoa, số 1 đường Nhà Thương, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng hoặc liên hệ số điện thoại Hotline: 02256 638 586 để đặt lịch khám cũng như được tư vấn tận tình, chu đáo.
TS.BS Đinh Thế Hùng – Trưởng Khoa Phẫu thuật Chấn thương – Chỉnh hình
Nguyễn Hà