Tăng tiết mồ hôi do cường giao cảm là bệnh lý thường thấy, chiếm khoảng 1-2% dân số theo một số nghiên cứu, biểu hiện bởi tình trạng ra mồ hôi quá mức ở những vùng bàn tay, nách, bàn chân, vùng bẹn,… là những khu vực mà tuyến mồ hôi tập trung nhiều. Ngoài ra, bệnh có thể ra mồ hôi ở những vùng khác của cơ thể như trán, mặt, lưng…
(Tuyến mồ hôi và bàn tay tăng tiết mồ hôi)
1. Tăng tiết mồ hôi là gì?
Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều mà không bắt nguồn từ các hoạt động mạnh như tập thể dục hay ở nơi có nhiệt độ cao và có liên quan đến mùi mồ hôi bất thường trên cơ thể. Một số người bị đổ mồ hôi quá mức ngay cả khi nghỉ ngơi hay khi làm việc ít, tay chân luôn ẩm ướt, có khi nhỏ thành giọt gây bất tiện trong giao tiếp và làm việc (ướt tất cả vật dụng mà người bệnh cầm).
2. Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi do cường giao cảm thường không rõ nguồn gốc gây bệnh, song nguyên nhân thường được cho là hệ giao cảm bị kích thích bởi một số tác nhân như: lo lắng, kích động hay dùng các thực phẩm, đồ uống gây kích thích như cà phê, trà hay hút thuốc lá.
Một số nguyên nhân khác được biết đến làm tăng tiết mồ hôi như đái tháo đường, suy tim sung huyết, bệnh Parkinson, viêm tuyến giáp,… cũng được ghi nhận.
3. Biến chứng
Biến chứng của tình trạng tăng tiết mồ hôi bao gồm:
- Nhiễm trùng: Những người đổ mồ hôi đầm đìa dễ bị nhiễm trùng da hơn.
- Ảnh hưởng xã hội và cảm xúc: bạn dễ cảm thấy mất tự tin với bàn tay ướt đẫm hoặc chảy nước và quần áo đẫm mồ hôi. Trình trạng này có thể ảnh hưởng đến công việc và mục tiêu học tập của bản thân.
- Một số người bệnh có nghề nghiệp như họa sĩ, thợ điện… coi việc này là một “thảm họa” đối với họ.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ
- Đôi khi tăng tiết mồ hôi quá mức là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn tiết quá nhiều mồ hôi kèm theo choáng váng, đau ngực và buồn nôn. Bạn cần gặp bác sĩ nếu:
- Tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày.
- Tăng tiết mồ hôi gây ra cảm xúc tiêu cực và thiếu tự tin trong giao tiếp xã hội.
- Đột nhiên tiết mồ hôi nhiều hơn thường ngày.
- Đổ mồ hôi buổi tối mà không có lí do rõ ràng.
5. Chẩn đoán và điều trị
- Chẩn đoán
Để chẩn đoán tăng tiết mồ hôi một cách chính xác, trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử và các triệu chứng của người bệnh. Đồng thời kết hợp cho người bệnh thực hiện một vài xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá thêm nguyên nhân gây ra bệnh.
- Điều trị
Các phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi bao gồm:
- Thay đổi lối sống: Thay đổi thói quen của bạn (như tắm thường xuyên hơn hoặc mặc các loại vải thoáng khí) có thể cải thiện các triệu chứng tăng tiết mồ hôi nhẹ.
- Điều trị nội khoa:
- Thuốc kháng cholinergic (glycopyrrolate và oxybutynin)
- Muối nhôm
- Điện di ion
- Tiêm botox®
- Phẫu thuật nội soi cắt đốt hạch giao cảm ngực
Đây là loại phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật nhanh, tính thẩm mỹ cao, điều trị bệnh triệt để với tỷ lệ tái phát cực thấp và sự hài lòng cao nhất ở những người bệnh đã lựa chọn phương pháp này.
(Hình ảnh chuỗi hạch giao cảm ngực trong mổ)
Phẫu thuật cắt đốt hạch giao cảm được thực hiện với đường mổ nhỏ (0,5 – 1 cm) ở thành ngực ngay dưới vùng nách, dụng cụ nội soi được đưa vào để quan sát và cắt bỏ các hạch giao cảm ngực chi phối tiết mồ hôi 2 tay.
Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là tính thẩm mỹ cao, đạt hiệu quả tức thì với tỷ lệ tái phát thấp. Phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của các người bệnh tăng tiết mồ hôi nguyên phát.
(Bác sĩ Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Tim mạch Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thăm khám cho người bệnh)
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, từ năm 2001, phẫu thuật nội soi lồng ngực được ứng dụng để điều trị bệnh lý này. Với số lượng trung bình khoảng 60 ca/năm, nội soi cắt đốt hạch giao cảm ngực là một trong những kỹ thuật được phát triển và thu được kết quả rất khả quan.
Tăng tiết mồ hôi nếu không được điều trị sẽ gây ra những triệu chứng khó chịu, khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày cũng như gặp các vấn đề trong lúc làm việc hoặc tham gia hoạt động giải trí vì bàn tay, bàn chân bị ướt hoặc quần áo đẫm mồ hôi. Vì thế bạn đừng ngần ngại, hãy đến để được tư vấn và thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Lồng ngực – Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cũng như có phương pháp điều trị tình trạng này một cách an toàn và hiệu quả.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ: Phòng khám Phẫu thuật Lồng ngực – Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp
Địa chỉ:Phòng 315, tầng 3, nhà G, Khoa Khám bệnh đa khoa, số 1 Đường Nhà Thương, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng
Số điện thoại: 0225 6275 699
BSCKII. Nguyễn Công Huy – Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Tim Mạch
Phương Loan