Tin tức
CẬP NHẬT CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG – SỰ PHÁT TRIỂN KHÔNG NGỪNG NGHỈ CỦA NỀN Y HỌC HIỆN ĐẠI
Loãng xương (Osteoporosis) là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn hại đến sức mạnh xương dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Chống loãng xương quốc tế (IOF), trên thế giới có khoảng hơn 200 triệu người bị loãng xương, trong đó chiếm 70% là phụ nữ, lứa tuổi thường gặp nhất là từ 50 đến 70 (19,6% phụ nữ và 3,1% nam giới bị loãng xương).
Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện Dinh dưỡng, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng trên 6 triệu người trên 60 tuổi, nghĩa là có khoảng một triệu người cao tuổi có nguy cơ gãy xương cao. Đặc biệt, hiện nay chi phí cho bệnh loãng xương tương đương với chi phí cho bệnh đái tháo đường và lớn hơn chi phí cho cả 2 bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới (K vú và K tử cung).
(Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp cùng các chuyên gia y tế đầu ngành chụp hình lưu niệm trong khuôn khổ Chương trình Sinh hoạt khoa học với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị loãng xương”)
Do đó, để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh loãng xương, cũng như chủ động phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể ra với người bệnh; vừa qua, chiều ngày 29/8/2024, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp đã phối hợp với Công ty TNHH dược phẩm Gigamed tổ chức Chương trình Sinh hoạt khoa học với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị loãng xương” do TS.BS Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp làm Chủ toạ.
(TS.BS Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp phát biểu khai mạc Chương trình Sinh hoạt khoa học với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị loãng xương”)
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia y tế đến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp đã chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực như: định nghĩa về bệnh loãng xương; nguyên nhân gây ra loãng xương; các yếu tố, nguy cơ loãng xương; phân loại mức độ loãng xương; phương pháp chẩn đoán và mục tiêu điều trị loãng xương; các phương pháp can thiệp điều trị biến chứng gãy xương do loãng xương chỉ có hiệu quả lâu dài khi tuân thủ điều trị loãng xương; tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học trong điều trị xẹp đốt sống do loãng xương,…
(PGS.TS.BS Phan Trọng Hậu – Trưởng khoa Chấn thương cột sống, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trình bày nội dung “Tổng quan về các phương pháp can thiệp gãy xương đốt sống do loãng xương”)
(BS.CKII Lương Đình Hạ – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp trình bày nội dung “Cập nhật chẩn đoán và điều trị loãng xương”)
(TS.BS Đặng Việt Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật Sọ não – Cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp trình bày nội dung “Tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học trong điều trị xẹp đốt sống do loãng xương”)
Chương trình sinh hoạt khoa học lần này đã giúp cán bộ, nhân viên y tế được nâng cao nhận thức đúng về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán kịp thời, điều trị đúng đắn loãng xương là một quá trình của cả người bệnh và bác sĩ. Nhất là phải tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cho tất cả người bệnh bao gồm như: bổ sung canxi và vitamin D thích hợp, tập thể dục giảm cân, tránh thuốc lá và hạn chế uống rượu. Người bệnh cũng cần được tư vấn về các biện pháp làm giảm nguy cơ té ngã.
(Quang cảnh tại Chương trình sinh hoạt khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị loãng xương” tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp)
Đỗ Thành