Lịch sử hình thành

 

Năm 2005 – tròn 100 năm Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng xây dựng và trưởng thành. Thời điểm 100 năm trước, ngày 02 tháng 10 năm 1905, Hội đồng thành phố ra quyết định thành lập Nhà thương bản xứ. Nhà thương được xây xong vào cuối tháng 04 năm 1906 gồm 3 nhà: 01 phòng khám và nhập viện, 02 nhà điều trị bệnh nhân làm phúc. Qua từng giai đoạn phát triển với bao thăng trầm đi cùng những biến cố của lịch sử, bệnh viện được mang những cái tên như: Nhà thương bản xứ, Bệnh viện thành phố, Bệnh viện Tiệp Khắc, và nay là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp.

Là bệnh viện tuyến 4, tuyến cuối cùng trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân của thành phố Hải Phòng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp đang ngày càng trở thành gần gũi, thân thiết hơn đối với mỗi người dân Hải Phòng, cùng nhân dân các tỉnh lân cận: Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh….Ngày nay, với trên 700 giường bệnh nội trú theo kế hoạch (thực kê: 943 giường), bệnh viện đã và đang thường xuyên điều trị cho trung bình 950-1000 bệnh nhân / ngày. Số bệnh nhân đến khám cũng nằm trong khoảng 600-700 người / ngày.

Lịch sử phát triển

Một thế kỷ xây dựng và trưởng thành

Bệnh viện đa khoa Việt – Tiệp được khởi công vào tháng 10 năm 1905, với cơ sở vật chất ban đầu chỉ gồm 4 dãy nhà cấp 4, trong đó có 1 khu nhà khám bệnh, 2 nhà điều trị. Qua 100 năm phát triển đến nay, trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện hơn 200 nghìn lần khám bệnh, điều trị nội trú cho hơn 30 nghìn người, tiến hành hơn 15 nghìn ca phẫu thuật, trong đó khoảng 1/3 là phẫu thuật loại I.

Trong 50 năm (1955 – 2005), bệnh viện đã tiếp nhận, khám bệnh hơn 6,5 triệu lượt người, điều trị hơn 2,3 triệu lượt người, tiến hành hơn 100 nghìn ca phẫu thuật phức tạp, cứu sống hàng nghìn người mắc bệnh, bị tai nạn hiểm nghèo và đã thành công trong việc phẫu thuật tim hở, ghép thận tự thân… và trở thành bệnh viện đa khoa hạng 1 thành phố với gần 800 giường bệnh và 800 cán bộ, viên chức. Bệnh viện là tuyến điều trị cao nhất, cơ sở đào tạo sinh viên cho các Trường đại học Y, Trung học y tế Hải Phòng, bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội), đồng thời, là nơi bạn bè quốc tế đến thực tập, giảng dạy. Cơ sở vật chất và thiết bị chuẩn đoán, điều trị hiện đại và đội ngũ cán bộ, viên chức tăng về số lượng và chất lượng. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển tập thể bệnh viện vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất lần thứ 2 và tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Điều này, đã ghi nhận những đóng góp của tập thể bệnh viện trong sự nghiệp chung của ngành Y tế và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phần I – Nhà thương bản xứ (1)

Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi đã chiếm được toàn bộ Việt Nam (1884), Chính phủ Pháp quyết định triển khai xây dựng Hải Phòng thành một cảng quốc tế, cửa ngõ của cả miền Bắc Đông Dương mở ra biển Đông. Đến năm 1891, Hải Phòng đã có hàng trăm hãng buôn nước ngoài. Đáng chú ý là một số hãng buôn lớn của tư bản Pháp cũng đặt trụ sở tại Hải Phòng.

Cùng với thương nghiệp, tư bản Pháp còn gấp rút xây dựng cơ sở khai thác nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ mạt như Cảng Hải Phòng (1876), Nhà máy Ximăng (1899), Nhà máy Sợi (1899), Nhà máy Phốt phát (1891), nhà máy Xà phòng (1887), Công ty than (1888), Công ty điện, Công ty nước (1892). Để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho đội quân viễn chinh xâm lược này, các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, phòng bệnh cũng được xây dựng cùng thời với các hoạt động khác. Nó là hậu cần như lương thực, thực phẩm không thể thiếu của tư bản xa xứ Pháp.

Theo Revue d\’\’Indochine số 17 năm 1899, Actes officiels ngày 9 tháng 7 năm 1899, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập một nhà thương lưu động 30 giường.

Một Nghị định khác in trong Nhật báo chính thức về Đông Dương ngày 3 tháng 2 năm 1902 về việc thành lập một Hội đồng, thành phần gồm:

– Tướng chỉ huy lữ đoàn – Chủ tịch Hội đồng
– Công sứ (đốc lý thành phố)
– Phó chỉ huy trưởng đồn pháo thủ Hải Phòng
– Giám đốc nhà thương
– Hai thành viên của Hội đồng thành phố do Hội đồng chỉ định
– Một sĩ quan cảnh sát được chủ tịch Hội đồng quản trị thành phố chỉ định, làm thư ký.

Nhiệm vụ của Hội đồng trên đây là nghiên cứu đề xuất một địa điểm cao ráo, thoáng đãng ở xa thành phố để xây dựng một nhà thương. Nghị định này làm tại Hà Nội ngày 22 tháng 01 năm 1902 do toàn quyền Đông Dương ký.

Ngày 20 tháng 01 năm 1902, thực dân Pháp thành lập Tổng nha y tế Đông Dương (Direction générale de la santé de \’\’Indochine). Sau đó là hệ thống vệ sinh và y tế cộng đồng miền Duyên Hải (Ty y tế cộng đồng miền Duyên Hải) được thành lập đặt trụ sở tại Hải Phòng. Phạm vi kiểm soát của nó bao gồm các cơ sở y tế ở Hồng Gai, Quảng Yên, Móng Cái, Kiến An, ngoài ra còn có các đại lý ở cảng Bãi Cháy và Mũi Ngọc.

Đọc lại một số tài liệu còn lưu giữ được về sự ra đời một cơ sở y tế (tuyến tỉnh) cho thấy thực dân Pháp khá thận trọng trong quá trình xây dựng nhà thương.

Ngày 02 tháng 10 năm 1905 Hội đồng thành phố quyết định xây dựng nhà thương bản xứ (Hopital indigène). Địa điểm được chọn vốn là một bãi đất trống, có một vài lán trại xiêu vẹo, trống trải của Sở mộ phu mới cất lên, làm nơi tập trung hàng trăm phu mộ ở khắp các tỉnh Bắc Kỳ đợi tàu đi vào các đồn điền cao su Nam Kỳ hay Tân Thế Giới.

Cuối tháng 4 năm 1906, nhà thương xây xong, vẻn vẹn có 3 nhà (pavillon), một phòng khám và nhập viện (nay là phòng Tổ chức và văn phòng Đảng ủy), hai nhà khác (nay là khoa Huyết học và hội trường trung tâm) là phòng điều trị bệnh nhân làm phúc. Ba nhà trên đây đều lợp tôn và đã chịu đựng với thời gian đến mãi sau này. Do quá chật chội nên cùng năm 1906, thành phố phải cho xây thêm một nhà cho khoa ngoại, một nhà cho khoa nội, một nhà bếp, một nhà tắm và khu vệ sinh.

Cơ sở nhỏ bé như vậy nên số bệnh nhân đến nằm chữa bệnh khoảng 25 người/tháng và trung bình mỗi ngày có 40 người đến khám bệnh. Nhà thương còn có một phòng mổ, địa điểm là khoa Tai mũi họng hiện nay, phòng này tồn tại mãi đến năm 1955, khi Tiệp Khắc viện trợ năm 1957, phòng mổ này được sửa chữa nâng cấp thành phòng mổ khoa Tai mũi họng.

Năm 1927, nhà thương xây thêm các phòng 4, 5 (khoa nội); 6, 7 (khoa ngoại) và phòng đẻ.

Năm 1940-1941, khu nhà hai tầng kề bên đường Cát Dài được xây dựng cho khoa ngoại và phòng mổ. Bác sĩ Fesquet phụ trách khoa này. Ngoài giờ làm việc ở bệnh viện ông Fesquet còn có nhà thương tư ở số nhà 17 đường Xa-vat-xi-ơ (nay là trụ sở Thành đoàn TNCSHCM thành phố).

Giám đốc nhà thương là bác sĩ Forest. Ông cũng có phòng khám ở số nhà 41 đường A-mi-ran Đơ Bô-mông (đường Hoàng Văn Thụ sau này).

Nhân viên y tế rất ít, khoa nội, khoa ngoại mỗi khoa có 4-6 người do một y tá trưởng điều hành chung. Hàng ngày bác sĩ đến nhà thương làm việc 3-4 giờ, khám bệnh nhân và cho thuốc (thường cho 2-3 ngày liền), còn mọi việc chuyên môn là các y tá trưởng. Các ông Phạm Đăng Khôi, Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Văn Điệp, Đỗ Đức Cảnh và các bà Nhị, bà Phượng là những y tá trưởng, nữ hộ sinh có vai trò chủ chốt ở các phòng chuyên môn.

Năm 1944, nhà thương được mở rộng thêm trên toàn bộ khu đất cạnh Đề lao. Dãy nhà này thấp bao gồm các phòng quản trị, kế toán, nhà kho, nhà bếp, phòng nhốt bệnh nhân điên và tạm giam giữ những tù nhân có bệnh đến chữa.

Cơm ăn của bệnh nhân do nhà thầu đưa từ ngoài vào, y công nhận và chia cho bệnh nhân. Y tá thường trực (3-4 người cho cả nhà thương) và y công cũng được ăn cơm do nhà thầu cung cấp không phải trả tiền.

Cùng thời gian này, Hải Phòng còn ra đời một khu truyền nhiễm (Lazaret urbain), địa điểm cách thành phố khoảng bốn cây số, nằm trên tả ngạn sông Lạch Tray, trên đường Hải Phòng đi Kiến An. Khu truyền nhiễm này được khởi công ngày 24 tháng 10 năm 1904 và hoàn thành vào ngày 15 tháng 01 năm 1906. Khu truyền nhiễm này khá lớn (so với nhà thương bản xứ) và ổn định mãi những năm sau này, bao gồm:

– Một phòng nhập viện
– Một phòng cho bệnh nhân là người châu Âu
– Một phòng cho bệnh nhân là người bản xứ
– Một phòng theo dõi bệnh nhân người bản xứ
– Một phòng cách ly cho người bản xứ
– Hai nhà bếp
– Hai nhà vệ sinh
– Một phòng làm nơi ở của người bảo vệ.

Một bộ phận khác được xây dựng thêm gồm nơi giặt đồ vải, một nhà tắm đủ chỗ đặt bốn bồn tắm và một điểm đặt lò tẩy trùng.

Ta thấy được là ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Hải Phòng đã ra đời một cơ sở khám chữa bệnh (nhà thương bản xứ) và khu truyền nhiễm, cách ly tẩy trùng. Hai anh em sinh đôi này tuy là hai đơn vị nhưng gắn bó với nhau như hình với bóng. Và cùng với thời gian, khu truyền nhiễm, cách ly tẩy trùng trở thành một bộ phận của nhà thương bản xứ (sau này là nhà thương thành phố) tới những năm 50 của thế kỷ XX. Các bệnh lao, thương hàn, hoại thư sinh hơi,… đều nằm ở đây, thường là có vào nhưng không có ra.

Hải Phòng còn có một nhà thương khác cho người Pháp (người Hải Phòng quen gọi là nhà thương cầu Ngự) được xây dựng tại địa điểm Quân y viện 203 hiện nay. Sau này, đến năm 1894 trên đất này không còn bệnh viện nữa mà chỉ còn một vài phòng làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường cho binh sĩ.

Năm 1907, trong báo cáo của mình về Đông dương, toàn quyền Paul Doumer dẫn tình hình y tế Hải Phòng, phần nói về nhà thương bản xứ:

\’\’…Cơ sở này xây dựng năm 1905, gồm những nhà nhỏ bằng gạch, tiếp nhận chừng bốn mươi bệnh nhân. Số người đã nằm chữa bệnh là 508 và người khám bệnh là 1.030. Toàn xứ Bắc Kỳ có 1.027 giường bệnh. Theo niên giám của Pháp năm 1935, sau hai lần sửa chữa và mở rộng nhà thương, qua tình hình nhân sự cho thấy số thầy thuốc và nhân viên tuy có tăng cường nhưng hoạt động chỉ bó hẹp ở một số khoa nội, ngoại, sản, dược…\’\’. Đặc biệt là giám đốc Ty vệ sinh thành phố vẫn kiêm nhiệm giám đốc nhà thương. Số nhân viên từ chủ nhiệm các khoa đến y tá hợp đồng vẻn vẹn 13 người, nhiệm vụ như sau:

Nhà thương bản xứ:

– Bác sĩ Forest, giám đốc nhà thương phụ trách khoa nội.
– Bác sĩ Fesquet, phụ trách khoa ngoại.
– Trần Văn Ninh, y sĩ Đông Dương, khoa nội.
– Trần Văn Thừa, y sĩ Đông Dương, khoa ngoại.
– Nguyễn Khôi, dược sĩ Đông Dương.
– Nguyễn Thị Nhị, nữ hộ sinh.
– Phạm Đăng Khôi, y tá trưởng.
– Nguyễn Văn Đàm, y tá trưởng hạng nhất.
– Nguyễn Văn Điệp, y tá trưởng hạng nhì.
– Nguyễn Văn Dong, y tá thường.
– Nguyễn Như Ấm, y tá thường.
– Lương Thị Phượng, y tá thường.
– Hoàng Văn Hai, y tá hợp đồng.

Với số nhân viên chuyên môn trên đây thì khả năng phục vụ sẽ rất hạn chế. Trong khi đó, các ông Forest và Fesquet đều có phòng khám chữa bệnh tư. Danh sách trên đây không thấy nói đến các phòng xét nghiệm, một công việc không thể thiếu của một nhà thương.

Nhân sự của Ty vệ sinh thành phố đã có thay đổi, ngoài bác sĩ Care, quan tư thầy thuốc, giám đốc Ty vệ sinh thành phố kiêm nhiệm việc chữa bệnh cho gái mại dâm mắc bệnh hoa liễu và bác sĩ Gouillon, thanh tra các trường học và chữa bệnh cho viên chức, còn hầu hết là người Việt Nam.

Tháng 8 năm 1945, trong muôn vàn khó khăn của một thành phố vừa thoát qua nạn đói, ngay sau khi Nhật vừa đầu hàng thì quân Tưởng lại ùn ùn kéo vào giải giáp quân đội Nhật. Trong khí thế cách mạng, các thầy thuốc và nhân viên bệnh viện hòa nhập vào cuộc kháng chiến. Bác sĩ Nguyễn Văn Tín, nguyên bác sĩ phẫu thuật nhà thương thành phố được cử làm giám đốc bệnh viện (tháng 8/1945-11/1946). Trong vòng hơn một năm, hoạt động của bệnh viện trở lại bình thường, việc khám và chữa bệnh được mở rộng, người bệnh được đón tiếp tận tình. Mặc dù thời gian rất ngắn nhưng bệnh viện đã mở được lớp đào tạo y tá cho trên 40 người, trong đó có 1/4 đào tạo tại nhà thương Kiến An. Hội đồng chấm thi tốt nghiệp gồm các bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên (chủ tịch Hội đồng), Lê Văn Cơ, Nguyễn Văn Tín, Trần Lâm Bảo.

Phần I – Nhà thương bản xứ (2)

Tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp lần thứ hai nổ ra ở Hải Phòng vào ngày 20 tháng 11 năm 1946.

Bệnh viện rút ra khỏi thành phố về Vĩnh Bảo rồi hòa vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Những y tá mới được đào tạo hăng hái gia nhập quân y, một số vào các ngành khác. Số người ở lại nội thành có các chị Nguyễn Thị Chinh, Tô Thị Việt, Trần Thị Đoan…, năm 1954 không theo địch vào Nam, ở lại chờ Chính phủ ta vào tiếp quản, tiếp tục làm việc cho tới ngày về nghỉ hưu.

Riêng bác sĩ Nguyễn Văn Tín, sau khi đưa bệnh viện ra Vĩnh Bảo, ông về Hà Nội nhận công tác tại Cục quân y. Ở đây ông được gặp bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng, rồi được lệnh trở lại liên tỉnh Hải Kiến thành lập quân y viện đóng tại thôn Bách Phương, huyện An Lão.

Cuối năm 1946, thực dân Pháp xâm lược Hải Phòng lần thứ hai. Thời gian chúng chiếm đóng thành phố lần này cũng là lâu nhất, mãi tới ngày 13 tháng 5 năm 1955 thành phố mới trở về nhân dân ta. Trước đó, do nhu cầu của một thành phố đông dân, một hải cảng lớn và cũng phần nào muốn tranh thủ dư luận, Pháp đã mở mang thêm các cơ sở y tế. Ngoài nhà thương do Nha y tế Bắc Việt quản lý và đài thọ, trong thành phố còn có 19 phòng khám chữa bệnh tư và 22 nhà hộ sinh do một số bác sĩ và hộ sinh người Việt, Pháp và Hoa Kiều mở nhưng đều có quy mô nhỏ bé.

Về mặt y tế cộng đồng, ngoài bệnh viện chính còn có phòng khám bệnh cho công chức (khu 4 gian gần ga An Dương cũ), khu khám bệnh và các chuyên khoa Răng, Mắt, nhân dân quen gọi là nhà thương quả bóng (sau này là nhà triển lãm thành phố) có 30 giường, khu bệnh nhân cách ly vì các bệnh lây nhiễm ở cầu Niệm (Lazaret cầu Niệm) với 101 giường, nhà tập trung chữa bệnh hoa liễu cho gái mại dâm 105 Cát Dài.

Ở bệnh viện chính có 121 giường và 72 giường làm phúc. Số nhân viên, từ bác sĩ đến y tá có 116 người và 8 học sinh y tá học việc, trong đó có 5 bác sĩ, 1 dược sĩ, 50 y tá, 4 nữ hộ sinh.

Bệnh viện có 2 phòng mổ, máy chiếu điện, phòng xét nghiệm và phòng dược có khả năng sản xuất và pha chế thuốc thông thường. Trang bị dựa vào hàng viện trợ của Mỹ. Vào những năm 50, chiến tranh mở rộng, bộ đội ta đánh mạnh ở các mặt trận, binh lính Pháp và ngụy bị thương nhiều, tại bệnh viện chính ngoài khu hai tầng nhượng cho bệnh viện Ciais, nhiều phòng khám phải dành cho các nạn nhân chiến tranh sau các cuộc càn quét bắn phá bừa bãi và liên miên của chúng. Những năm Pháp chiếm đóng trở lại, ở các huyện chỉ có một phòng phát thuốc do một y tá phụ trách, nên bệnh nhân nội khoa đều phải nằm ở khoa Nội 105 Cát Dài (nay là số nhà 153) có 72 giường. Ở đây có 1 bác sĩ, 6 y tá và 1 y công.

Do điều kiện sống tồi tệ, trình độ hiểu biết về y tế, vệ sinh môi trường rất kém, tình hình bệnh tật hết sức phức tạp, nhất là các bệnh truyền nhiễm, các bệnh đường tiêu hóa. Bác sĩ ít, phòng khám ít và chật chội, cả thành phố chỉ có một nơi khám ở vườn hoa, bệnh nhân phải chờ đợi, chen chúc từ sáng tinh mơ. Sau khám tùy theo tình hình bệnh tật, bệnh nhân được điều trị ngoại trú hoặc chuyển tới nằm ở khoa nội Cát Dài hoặc ngoại khoa. Giá tiền nằm viện đối với bệnh nhân khá cao, có các hạng 60, 90, 120 đồng/giường/ngày.

Năm 1955 khi Chính phủ ta vào tiếp quản, mặc dù đã có 50 năm hoạt động, bệnh viện chính vẫn còn là một cơ sở y tế hết sức nhỏ bé. Mặt khác, trước khi rút khỏi thành phố địch đã chuyển phần lớn dụng cụ, thuốc men vào Nam. Số thầy thuốc không ai ở lại, nhân viên có nghề như y tá, hộ sinh chỉ có khoảng 20 người, nên phải bắt tay xây dựng bệnh viện từ con số không, mọi việc phải làm lại từ đầu. Bệnh nhân nhiều, một số y tá từ vùng kháng chiến vào tiếp quản và những người có tinh thần yêu nước ở lại phải làm việc hết sức để duy trì hoạt động của bệnh viện.

Một chặng đường cách mạng

Những năm đầu thành lập nhà thương bản xứ, thầy thuốc từ giám đốc đến chủ nhiệm khoa đều là sĩ quan quân y Pháp, mãi sau này vào những năm 30, 40 của thế kỷ mới có các y sĩ Đông Dương là người Việt Nam. Trước cách mạng tháng Tám 1945, giám đốc nhà thương chính vẫn là một trung tá quân y người Pháp.

Nhà thương nhỏ bé, viên chức cao cấp đều là người Pháp, nhưng những viên chức Việt Nam ở đây không hề vắng mặt trong sự nghiệp cách mạng. Năm 1927, tỉnh bộ Thanh niên được thành lập, phong trào cách mạng lên nhanh, thu hút nhiều trí thức, học sinh và lao động tham gia. Chị Nguyễn Thị Vinh (Vinh sẹo) là nữ hộ sinh nội trú trong nhà thương được các đồng chí Ngọc (Phục), Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Đức Cảnh giác ngộ, đến với cách mạng rất tích cực. Chị được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội, lúc đầu sinh hoạt ghép với tổ học sinh viên chức. Chị Vinh dần dần giác ngộ thêm hai người nữa và kết nạp vào Hội là chị Hiển (em gái) và anh Thủy. Ba người hình thành một tổ thanh niên sinh hoạt học tập trực thuộc Tỉnh bộ và hoạt động trong nhà thương. Tại đây, chị Vinh đã gần gũi anh chị em viên chức, động viên mọi người nêu cao tinh thần thương yêu đồng bào, tận tình chăm sóc thợ thuyền, nông dân đến chữa bệnh ở nhà thương.

Cuối năm 1927, chị Vinh, chị Phụng, anh Ngọc tìm vốn mở một hiệu sách ở phố Cát Cụt nhưng đến cuối năm 1928, do yêu cầu của cách mạng các chị đã nhượng hiệu sách cho Tỉnh bộ. Hiệu sách được đổi tên là Học Hải và trở thành một địa điểm mà các cán bộ cách mạng thường lui tới liên lạc với tổ chức, đồng thời là đầu mối giao thông có nhiệm vụ nhận, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng từ nước ngoài về. Các chị góp phần rất lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Hải Phòng và Việt Nam.

Giữa tháng 5/1930, chị Nguyễn Thị Thuận (Tư Già) bị mật thám bắt giam ở đề lao Hải Phòng. Anh em tù chính trị đấu tranh quyết liệt buộc chúng đưa chị Thuận sang nhà hộ sinh của nhà thương vì chị đã đến kỳ sinh nở. Tỉnh bộ giao cho cơ sở ở nhà thương giúp đỡ và tạo điều kiện cho chị Thuận vượt ngục. Chị Thuận là Đảng viên cộng sản, biết nhiều cơ sở của Đảng bộ Hải Phòng nên bọn mật thám canh phòng rất cẩn mật. Do kế hoạch đã được bố trí của chị Vinh, vào sẩm tối một ngày đầu tháng 10/1930, chị Nguyễn Thị Thuận đã vượt khỏi nhà tù để hoạt động cách mạng.

Sau khi chị Thuận vượt ngục, mật thám Pháp mở cuộc điều tra, xét hỏi thầy thuốc và nhân viên nhà hộ sinh. Chúng bắt chị Vinh nhưng không đủ chứng cứ đành phải tha. Đầu tháng 11/1930, do có kẻ phản bội khai về những hoạt động của nhóm hoạt động ở nhà thương, mật thám Pháp đã ập đến nhà thương bắt chị Vinh. Ngày ấy, tờ báo Đông Pháp ra ngày 7 tháng 11 năm 1930 đã đưa tin:

\’\’… Sáng nay lại bắt cô đỡ nhà thương tên là Nguyễn Thị Vinh và em gái cô là Nguyễn Thị Hiển. Chính cô Vinh đã báo cho bà Nguyễn Thị Thuận, là người quốc sự phạm vượt ngục hồi nọ. Cả hai chị em cô Vinh đã bị tống giam để xét xử về tội âm mưu làm rối loạn an ninh công cộng…\’\’ (Tài liệu lưu tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Hải Phòng).

Sau khi chị Vinh, chị Hiển bị thực dân Pháp bắt, hoạt động cách mạng trong nhà thương lắng hẳn xuống. Nhưng các cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân và nhân dân thành phố vẫn tiếp diễn, tác động trực tiếp đến thầy thuốc và nhân viên nhà thương, lôi cuốn họ tham gia ủng hộ cách mạng. Sáng ngày 31/7/1932, mặc dù các ngả đường đều bị cấm, binh lính đầy đường, dân chúng thành phố, trong đó có thầy thuốc, nhân viên, bệnh nhân ở nhà thương đã kéo đến cổng đề lao biểu tình phản đối thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân.

Phát xít Nhật đổ bộ vào Hải Phòng, Nhật Pháp đánh nhau. Phong trào giải phóng dân tộc lúc mạnh lúc yếu, lúc lên lúc xuống… Rồi cách mạng bùng nổ trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, từ sáng sớm, dân chúng các xóm thợ, đường phố, nông thôn kéo về Nhà hát lớn thành phố mít tinh giành chính quyền. Bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên được cử làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời. Các thầy thuốc, y tá, hộ sinh, y công của nhà thương cũng chỉnh tề trong đội ngũ của mình. Khí thế cách mạng đã làm họ hăng say, nhiệt tình tham gia giải quyết khó khăn, xây dựng chế độ mới. Đất nước được độc lập, nhà thương được mở rộng, thầy thuốc được đào tạo. (Tài liệu do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng bộ thành phố cung cấp)

Sau hơn một năm, ngày 20 tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn miền Bắc, đánh chiếm trở lại Hải Phòng. Nhiều lớp huấn luyện cấp tốc về cứu thương cho tự vệ, thanh niên khu phố được mở kịp thời. Nhiều thầy thuốc và nhân viên y tế tham gia bộ đội, cứu chữa và phát thuốc cho chiến sĩ và nhân dân bị tai nạn. Họ có mặt ở những nơi xảy ra chiến sự ác liệt. Sau đó, một số thầy thuốc, nhân viên y tế đã ra đi kháng chiến. Những người vì hoàn cảnh riêng, ở lại, vẫn tận tụy làm chuyên môn nghiệp vụ chữa bệnh cho nhân dân. Một số y tá và thầy thuốc vẫn bí mật đưa cán bộ, bộ đội vào nhà thương chữa bệnh, băng bó vết thương và giúp họ khỏi sự truy lùng của địch. Công đoàn thành phố đã xây dựng được cơ sở và đoàn viên tích cực trong nhà thương. Các anh, chị Thúy Hạnh, Nguyễn Như Đồng, Lê Thị Nguyệt, Lê Văn Tiếu, Nguyễn Thị Định, Hoàng Thị Tỵ… sau tiếp quản thành phố, là những đoàn viên công đoàn đầu tiên của ngành y tế thành phố.

Tháng 5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ và sau đó hiệp định Giơnevơ được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Hải Phòng là địa bàn tập kết 300 ngày để quân đội Pháp rút lui. Những ngày cuối cùng, chúng ráo riết thực hiện âm mưu thâm độc vơ người cướp của, phá hoại sản xuất, hòng biến Hải Phòng thành thành phố chết. Chúng ép các công sở nhà máy tháo dỡ máy móc mang đi, bắt công chức, công nhân kỹ thuật… ký đơn xin di cư, cưỡng ép dụ dỗ mọi người di cư vào Nam. Khắp nơi trong thành phố, công sở, xưởng thợ, bệnh viện… dân chúng nổi dậy đấu tranh. Hai cuộc đấu tranh ở Phòng khám chữa răng (ngày 29 và 30 tháng 11 năm 1954) và Nhà thương chính (ngày 4 tháng 1 năm 1955) là hai cuộc điển hình của toàn ngành thành phố. Nhiều thầy thuốc, nhân viên nhà thương tích cực vận động nhau không mắc mưu địch, bí mật chuyển tài liệu, máy móc, dụng cụ chuyên môn ra vùng tự do, cung cấp tình hình và âm mưu địch cho Ủy ban quân chính tiếp quản thành phố.

Ngày 27 và 28/11/1954, địch cho đóng hòm định lấy dụng cụ và phương tiện chuyên môn ở phòng khám đa khoa Vườn hoa, anh chị em kịp thời báo cho Ủy ban tiếp quản. Tám giờ sáng ngày 29/11/1954, số đông anh chị em y tá, nhân viên Vườn hoa, Nhà thương chính, Trạm phát thuốc Hạ Lý kéo đến giữ máy móc. Cùng lúc đó, một bộ phận đưa đơn có 180 chữ ký lên Ủy ban giám sát Quốc tế. Mười giờ, lực lượng an ninh, biệt động, cảnh sát địch đến bao vây, đánh đập dã man và bắt đi một số nhân viên tích cực. Một giờ chiều, dân chúng ở các nơi đổ về tới vạn người, chật ních cả hai đường Bon-nan (Nguyễn Đức Cảnh) và Sa-vát-xi-ơ (Quang Trung). Khẩu hiệu đấu tranh là đòi thả người bị bắt, bồi thường cho những người bị đánh, không được tháo dỡ máy móc. Sáng ngày 30/11/1954, quần chúng lại kéo đến đông hơn. Kẻ thù nhận thất bại, phải ký vào biên bản của Ủy ban giám sát Quốc tế và thả những người bị bắt, ngừng tháo dỡ máy móc. Ở nhà thương chính, từ ngày 25/12/1954, lính địch đã đến đóng hòm và tháo dỡ phương tiện y tế. Trong khi đó nhiều anh chị em cơ sở công đoàn và quần chúng tích cực bị địch khủng bố. Số anh em này có khoảng 50 người nhưng lại làm việc rải rác ở nhiều nơi. Thượng tuần tháng 12/1954, chúng bắt 5 người để tra xét, không có chứng cứ đành phải tha. Đầu tháng 1/1955, chúng bắt 10 người là y tá và nhân viên ở một số phòng. Số anh chị em khác được báo trước đã thoát ra khu tự do.

Trưa ngày 4/1/1955, được tin xe nhà binh Pháp đến chuyển máy móc xuống tàu mang đi, dân chúng thành phố đã kéo đến bao vây. Địch huy động nhiều bảo chính đoàn, lính sen đầm đến khủng bố, bắt bớ và ngăn chặn các ngả đường. Sáng sớm ngày 5/1/1955, dân chúng đến lẻ tẻ, lấy cớ thăm hoặc đưa cơm, quà bánh cho người nhà, phân tán vào các khoa, phòng, chờ đấu tranh bên ngoài nổ ra thì phối hợp. Binh lính địch đến đàn áp dã man và chúng đã mang được một số hòm máy mang đi. Các ngày tiếp theo, từ 6 đến 11/1/1955, mặc dù Ủy ban giám sát Quốc tế đã ghi nhận số máy móc còn lại, lính Pháp vẫn điên cuồng đàn áp đấu tranh, đem đi nhiều máy móc quý. Suốt gần một tháng đấu tranh với địch, mặc dù trên hai chục người bị bắt và tra tấn đánh đập, anh chị em nhân viên nhà thương luôn tin tưởng vào Chính phủ kháng chiến, quyết tâm giữ máy móc, dụng cụ chuyên môn để có điều kiện phục vụ nhân dân.

Ngày 13/5/1955, một ngày hè đẹp trời, các tầng lớp nhân dân Hải Phòng ùa ra đường chào đón những chiến sĩ và cán bộ vào tiếp quản thành phố. Hải Phòng được giải phóng. Nhà thương thành phố lại trở về với nhân dân.

Phần II – Bệnh viện thành phố

Hải Phòng là khu 300 ngày, địa bàn cuối cùng của quân viễn chinh xâm lược Pháp tập kết và rút vào Nam theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Từ trước ngày 13 tháng 5 năm 1955, đoàn cán bộ tiếp quản ngành y tế đã được lệnh vào thành phố nhận bàn giao các cơ sở y tế từ Pháp, vận động nhân viên y tế làm việc ở bệnh viện và nhân dân đấu tranh chống địch tháo rỡ máy móc và cưỡng ép nhân viên kỹ thuật di cư vào Nam.

Trước ngày này, tình hình bệnh viện vô cùng rối ren, ngày nào cũng có những cuộc bắt bớ, khám xét. Ô tô mật thám, phòng nhì, binh lính chạy bừa bãi trên các con đường trong bệnh viện. Bệnh nhân tự động ôm chăn chiếu rời khỏi các phòng bệnh. Nhân viên một số đi Nam, một số mang gia đình lánh ra các huyện ngoại thành, số trung kiên hoạt động trong các đường dây của Liên hiệp công đoàn hoặc Thành ủy thì bám trụ tại các khoa phòng, giữ gìn máy móc chờ Chính phủ vào tiếp quản. Pháp rút đi để lại một nhà thương chính tiêu điều, trống rỗng, các khoa, phòng ngợp ngụa rác rưởi.

Bác sĩ Bùi Đồng được Bộ y tế giao nhiệm vụ trưởng đoàn y tế tiếp nhận bàn giao các cơ sở y tế Hải Phòng. Ông cũng là giám đốc Sở y tế kiêm giám đốc bệnh viện. Bác sĩ Vũ Tiến Thọ, phó giám đốc Sở y tế, phụ trách công tác phòng bệnh phòng dịch của ngành, đồng thời trực tiếp phụ trách khoa Lây bệnh viện, dược sĩ Lê Đăng Đệ phụ trách công tác Dược toàn ngành và khoa Dược của bệnh viện. Vào những ngày đầu hòa bình lập lại, một số cán bộ có chuyên môn sâu thường phải đảm nhiệm nhiều chức năng nhiệm vụ, vừa của toàn ngành vừa của bệnh viện.

Trực tiếp điều hành bệnh viện còn có các đồng chí sau:

– Bác sĩ Phạm Thúy Liên thay mặt giám đốc về đối ngoại đồng thời là trưởng khoa Ngoại.
– Bác sĩ Hồ Công Nghĩa phó giám đốc thường trực kiêm phụ trách khoa sản, khoa X quang.

Số y sĩ, dược sĩ, y tá từ vùng kháng chiến về tiếp quản bệnh viện khoảng hơn mười người và trên ba mươi người khác gồm cán bộ tổ chức, quản trị hành chính và nhân viên tạp vụ.

Số anh chị em nhân viên bệnh viện tản mát đi nhiều nơi dần dần trở lại làm việc. Số này có khoảng 60 người gồm 20 y tá, 3 nữ hộ sinh, 10 học sinh y tá học dở dang, 10 y công và trên 20 nhân viên hành chính, kế toán, thợ mộc, nề, điện, nước, lái xe, hầu hết là những người đã tích cực tham gia đấu tranh với địch, nhiều anh chị em đã ra khu giải phóng học tập rồi cùng đoàn vào tiếp quản bệnh viện.

Lúc này bệnh viện được sắp xếp lại, không còn là hai khu vực, một của binh lính Pháp, một của người Việt như trước, nên nhất loạt phải bố trí lại các khoa phòng. Chỉ trong hai ngày kể từ ngày vào tiếp quản, ta đã triển khai được các khoa Nội, Ngoại, Tai mũi họng, Nhà hộ sinh, Phòng khám và nhập viện, khoa Dược, Phòng xét nghiệm đã đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của cán bộ và nhân dân. Trong điều kiện cán bộ chuyên môn trung, cao cấp thiếu nên mỗi y sĩ thường phải phụ trách một hoặc hai khoa. Tình trạng này kéo dài đến gần hết năm 1955. Mặc dù có nhiều khó khăn về người và phương tiện chuyên môn kỹ thuật, bệnh viện vẫn triển khai được 100 giường bệnh. Số biên chế cũng đã lên tới 150 người.

Tổ Đảng đầu tiên gồm các đồng chí Trần Vinh, cán bộ chính trị làm bí thư, bác sĩ Phạm Thúy Liên, y sĩ Nguyễn Đình Quế, y sĩ Phạm Văn Nông, dược sĩ Nguyễn Kim Chẩn, y tá trưởng Bùi Thúy Hạnh.

Mười hai ngày sau tiếp quản, Liên hiệp công đoàn thành phố tổ chức cho những anh chị em ở lại, những người có thành tích đấu tranh với địch, học tập điều lệ của tổ chức công đoàn. Ngày 25 tháng 5 năm 1955, công đoàn bệnh viện ra đời gồm một số đoàn viên từ kháng chiến trở về và 22 đoàn viên mới do anh Lê Văn Tiếu và chị Lê Thị Nguyệt phụ trách. Đây cũng là một công đoàn cơ sở được thành lập sớm nhất của thành phố sau tiếp quản.

Hải Phòng là một thành phố công nghiệp, đội ngũ công nhân và người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cảng rất đông. Những anh chị em này, trong những năm địch tạm chiếm, phải lao động quá sức nên tình trạng ốm đau bệnh tật nhiều. Để bệnh viện có thể phục vụ được tốt, Bộ y tế đã liên tiếp điều về Hải Phòng nhiều cán bộ trung, cao cấp, đồng thời thành phố cũng đầu tư kinh phí tạo điều kiện mở rộng cơ sở làm việc, mua sắm thuốc men, y, dụng cụ. Do thiếu thầy thuốc có chuyên môn sâu và máy móc chuyên dùng, cả thành phố mới có một bệnh viện hoạt động, mạng lưới y tế khu phố chưa có, số bệnh nhân có nhu cầu khám bệnh và nằm viện gấp nhiều lần so với khả năng, nên các khoa, phòng thường phải ghép nhiều loại bệnh nhân, không phân biệt người lớn trẻ em. Khoa nội có 3 nhà phải nhận điều trị tất cả các bệnh nhân nội khoa, thần kinh, lây, trẻ em và chỉ có 1 y sĩ, 5 y tá, 2 hộ lý, một giường thường phải nằm đôi, nằm ba.

Khoa ngoại gồm phòng mổ và khu nhà hai tầng (chưa mở rộng ra hai cánh cho các phòng 7 và 9 sau này), chưa có chuyên khoa riêng nên có bệnh nhân nhập viện là sắp xếp vào bất cứ phòng nào miễn là có giường trống. Toàn khoa có một bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều việc: vừa trực tiếp điều trị, làm phẫu thuật và phụ trách phòng khám. Ông còn là cán bộ lãnh đạo bệnh viện nên việc tiếp khách, họp giao ban bệnh viện… chiếm khá nhiều thời gian.

Khoa sản chỉ nhận sản phụ đến đẻ, chưa có điều trị phụ khoa và cũng không có phòng mổ riêng. Trường hợp mổ thai to, chửa ngoài dạ con hoặc đẻ khó đều chuyển sang khoa ngoại, bác sĩ khoa ngoại đảm nhiệm cả mổ đẻ.

Trang thiết bị chung toàn bệnh viện còn rất nghèo nàn. Bàn mổ, bàn đẻ đều cũ, han gỉ. Mỗi khoa có khoảng 5 bơm tiêm, kim tiêm thường xuyên phải mài lại. Phòng X quang tuy có 2 máy nhưng chỉ có 1 máy hoạt động, chụp xong trả về cho khoa xem và tự quyết định, riêng dạ dày sau khi chụp phải gửi phim lên Hà Nội nhờ đọc kết quả, có khi phải chờ đợi hàng tháng. Điều này dễ hiểu vì ở đây chỉ có 2 y tá làm kỹ thuật chụp, rửa phim, không có y bác sĩ đọc kết quả.

Giường nằm của bệnh nhân là những khung sắt lâu ngày không được sơn, nhiều cái đã han gỉ, ván nằm bằng gỗ, nhiều cái đã mọp, rệp nhiều vô kể.

Phòng dược chỉ có một máy cất nước, 1 nồi hấp ướt, 2 tủ lạnh, một số giá đựng chai lọ. Công việc chủ yếu là cấp phát thuốc, hàng tuần có sản xuất dịch truyền nhưng với quy mô rất nhỏ và chất lượng thấp.

Phòng xét nghiệm chỉ làm được những kỹ thuật đơn giản như soi phân, nhuộm lam tìm một số loại vi trùng.

Bệnh viện luôn nhận được những y sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh vừa được đào tạo ra như: dược sĩ Tước, nữ hộ sinh Minh Tâm, các y sĩ Lê Thị Xuân Mai, Phạm Ngọc Trai, Lê Phú Huy, Lê Anh Tuấn, Hồ Vĩnh San, Nguyễn Văn Sánh, Nguyễn Như Trung, Trương Minh Lý, Tuyết Như, Đồng, Điệp, Cam…

Đầu năm 1957, khi các bác sĩ Tiệp Khắc đến Hải Phòng, Bộ y tế đã điều về bệnh viện một số y sĩ, dược sĩ cao cấp, số đông từng là cán bộ lãnh đạo y tế tỉnh về tăng cường cho các khoa, học tập và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của bạn như: Hồ Tấn Phi, Hồ Văn Cung, Phan Trinh, Đinh Phùng Yêm, Trần Kiện, Bùi Sĩ Hùng, Trần Ngọc Dũng, Nguyễn Tất Tuyến, Nguyễn Lược, Hoàng Quỳ, Lê Doãn Hùng, Trần Đình Kỳ. Lãnh đạo thành phố còn rút một số y sĩ từ các đơn vị y tế khác trong thành phố chuyển về bệnh viện như: Đoàn Hồng Hoa, Đặng Hồi Xuân, Lã Vĩnh Quyên.