ĐẶT STENT ĐƯỜNG MẬT QUA NỘI SOI MẬT TỤY NGƯỢC DÒNG (ERCP)

ĐẶT STENT ĐƯỜNG MẬT QUA NỘI SOI MẬT TỤY NGƯỢC DÒNG (ERCP)
1.    Tại sao phải đặt stent đường mật?
Dịch mật được sản xuất tại gan, lưu thông qua các ống mật và đổ vào tá tràng, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Vì một nguyên nhân nào đó (lành tính hoặc ác tính) gây cản trở sự lưu thông này, mật sẽ bị ứ đọng ở gan. Tình trạng này khiến người bệnh bị vàng da kèm theo phân có màu bạc (gần như trắng), nước tiểu sẫm màu.
Trước khi xuất hiện triệu chứng vàng da, một số xét nghiệm sinh hóa có thể sẽ tăng như Gamma-GT, phosphatase kiềm, bilirubin… Theo thời gian tình trạng ứ đọng mật trong gan này sẽ dẫn tới suy giảm chức năng gan. Lúc này, đặt stent đường mật sẽ là giải pháp tối ưu để loại bỏ những cản trở này, khôi phục sự lưu thông của dịch mật. Mục đích thực hiện đặt stent là dẫn lưu mật do gan sản xuất vào ruột, để thực hiện chức năng tiêu hóa.
Có 2 loại stent là stent nhựa và stent kim loại. Tùy vào từng điều kiện cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại stent để đặt vào trong đường mật. 
 


2.    Chỉ định của đặt stent đường mật?
Các trường hợp thường được chỉ định stent đường mật bao gồm người bị tắc nghẽn đường mật một phần hoặc toàn bộ, tạm thời hoặc vĩnh viễn. 
Bệnh lý ác tính của đường mật tụy như u ống mật chủ, u đường mật rốn gan, u đường mật trong gan, u tụy (khi xuất hiện triệu chứng vàng da), u bóng Vater,…
Một số bệnh lý lành tính cũng cần đặt stent đường mật mà không có khối u như tình trạng hẹp lành tính của đường mật, thiếu máu cục bộ (thiếu oxy mô do thiếu nguồn cung cấp máu), chấn thương (tổn thương đường mật do tai nạn hoặc tai biến do phẫu thuật như cắt túi mật, ghép gan…), viêm tự miễn có liên quan tới khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch… Tắc mật do sỏi đường mật lớn chưa thể lấy ngay hoặc do tuyến tụy viêm trong viêm tụy mạn tính.
 


3.    Quy trình đặt stent đường mật?
Khi thực hiện, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua miệng của người bệnh xuống thực quản, qua dạ dày, tá tràng, tới vị trí dịch mật đổ vào tá tràng. Tại vị trí này gọi là nhú Vater, một ống thông nhỏ (catheter) sẽ được luồn qua máy nội soi vào đường mật để bơm thuốc cản quang vào đường mật. Những hình ảnh X-quang sẽ được chụp lại khi thuốc cản quang di chuyển bên trong đường mật.
Nếu hình ảnh phim X-quang cho thấy có hẹp ống mật chủ, bác sĩ sẽ tiến hành đặt stent vào ống mật nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn. Những dụng cụ chuyên dụng sẽ được luồn qua ống nội soi, tiến hành cắt cơ vòng (cơ Oddi) để tiếp cận đường mật. Ở một số trường hợp mà việc cắt cơ vòng không cho phép, bác sĩ sẽ nong vị trí đường mật bị hẹp bằng bóng, cuối cùng đặt stent vào đường mật.
 


4.    Ưu điểm khi đặt stent đường mật qua ERCP?
Là kĩ thuật xâm lấn tối thiểu, giúp cho người bệnh không phải chịu một cuộc mổ như trước đây. Đảm bảo dịch mật lưu thông đúng sinh lý, từ gan đổ vào ruột non và tiêu hóa thức ăn.
Ít ảnh hưởng tới sức khỏe, thời gian phục hồi nhanh, ít biến chứng. Không ảnh hưởng tới thẩm mỹ, không có sẹo trên thành bụng.
Chi phí phẫu thuật và nằm viện, chăm sóc thấp hơn. 
Kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ nội soi có kinh nghiệm, chuyên môn cao, đã thực hiện thành thạo các thủ thuật nội soi chung và được thực hiện ở các bệnh viện có trung tâm Nội soi  - Tiêu hóa lớn. Hiện tại kỹ thuật đặt stent đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) nói riêng và các kỹ thuật ERCP khác nói chung đã được tiến hành thường quy tại khoa Nội soi – Thăm dò chức năng, bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.