...

ĐO VỮA ĐỘNG MẠCH, CHỈ SỐ ABI, CAVI TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT TIỆP

Xơ vữa động mạch thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi lòng động mạch bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn hoàn toàn, dẫn đến hoại tử chi, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ,… Vì thế, tầm soát xơ vữa mạch máu là biện pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả cho các bệnh tim mạch do xơ vữa.
1. Xơ vữa động mạch gây nên những hậu quả gì?
Mảng xơ vữa thường xuất hiện tại 3 vị trí chính là động  mạch vành, động mạch cảnh và động mạch ngoại biên, gây các hậu quả khác nhau:
Hệ thống động mạch vành cung cấp máu giàu oxy nuôi tim. Mảng xơ vữa ở động mạch vành có thể gây ra cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Hệ thống động mạch cảnh cung cấp máu giàu oxy nuôi não. Mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc động mạch này sẽ gây ra đột quỵ và có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn.
Hệ thống động mạch ngoại biên cung cấp máu giàu oxy nuôi các cơ quan như tay chân và vùng chậu. Mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng động mạch ngoại biên có thể dẫn đến viêm, hoại tử chi.

2. Các đối tượng nguy cơ cao cần được đo xơ vữa động mạch:
•    Tuổi cao: tỷ lệ người mắc bệnh xơ vữa động tăng lên theo độ tuổi, đặc biệt ở nhóm ≥ 65 tuổi
•    50 – 64 tuổi + có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu (mỡ máu cao), hút thuốc lá
•    BN đái tháo đường dưới 50 tuổi có kèm theo ít nhất 1 yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng lipid máu (mỡ máu cao), hút thuốc lá, bị đái tháo đường trên 10 năm
•    Có triệu chứng đau, mỏi, chuột rút ở bàn chân / bắp chân / đùi / mông, khởi phát khi đi lại và giảm dần khi nghỉ ngơi (trong vòng vài phút). Hoặc BN đau chân cả khi nghỉ ngơi
•    Người bệnh có vết loét, vết thương, hoại tử ở chi dưới lâu liền.
•    Có bệnh lý mạch máu do xơ vữa khác: Bệnh mạch vành, bệnh mạch não, mạch thận
•    Theo dõi sau can thiệp mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chi dưới

3. Tầm soát xơ vữa động mạch bằng phương pháp hiện đại tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp
Tại Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp máy đo xơ vữa động mạch VASERA VS-1500N, hãng Fukuda - Nhật Bản đã được áp dụng thường quy vào việc kiểm soát tình trạng tim mạch, huyết áp và xơ vữa động mạch cũng như chẩn đoán được “tuổi động mạch” một cách chính xác. Đây là một phương pháp thăm dò không xâm lấn, thông qua việc đo huyết áp tứ chi (ĐM cánh tay 2 bên và ĐM chày ở cổ chân 2), tâm thanh đồ, điện tim đồ, từ đó xác định được 2 chỉ số: 
- ABI – Chỉ số cổ chân/ cánh tay: giúp đánh giá, phát hiện sớm tình trạng hẹp hoặc tắc lòng động mạch nuôi tay và chân.
- CAVI – Chỉ số tim mạch – cổ chân: giúp đánh giá tình trạng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng động mạch vành nuôi tim. 

Chỉ số CAVI giúp bác sĩ xác định tình trạng xơ cứng/xơ vữa động mạch từ đó ước tính được “tuổi động mạch” của người bệnh một cách chính xác nhất. Nếu tuổi động mạch của bạn cao hơn tuổi thật, điều đó có nghĩa là tình trạng xơ vữa động mạch của bạn đang tiến triển nhanh và có thể gây ra các biến cố ở tim - mạch máu cho bạn sớm hơn. Phương pháp này đặc biệt hữu ích, hiệu quả giúp chẩn đoán bệnh tắc nghẽn mạch vành ở những người bệnh cao tuổi không thể thực hiện nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ; cũng như không thể chụp mạch vành do dị ứng/ nguy cơ dị ứng với thuốc cản quang, người bệnh chỉ mất 12 phút để kiểm tra và cho kết quả nhanh chóng.
Bất kỳ ai cũng nên tầm soát xơ vữa động mạch để tránh những biến chứng như nhồi máu cơ tim, tắc động mạch chi dưới,… nhưng nếu bạn đang có các yếu tố nguy cơ đã kể trên, việc tầm soát nên được tiến hành càng sớm càng tốt.

(Người bệnh được tiến hành đo xơ vữa động mạch bằng máy tại Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp)

ThS. BSNT Đàm Thị Hương Liên, Khoa Tim mạch