Tin tức
HỘI THẢO KHOA HỌC: “SONG HÀNH KIỂM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ TĂNG HUYẾT ÁP CHO NGƯỜI BỆNH VIỆT NAM”
“Cặp đôi âm thầm” gây hậu quả nặng nề – Hội thảo tìm lời giải cho kiểm soát toàn diện
Đái tháo đường và tăng huyết áp – hai căn bệnh mạn tính đang ngày càng phổ biến – được giới chuyên gia ví như “cặp đôi âm thầm” vì tiến triển lặng lẽ nhưng hậu quả lại hết sức nặng nề. Điều đáng lo ngại là hai bệnh lý này thường đi cùng nhau, khiến quá trình điều trị thêm phức tạp, làm gia tăng nguy cơ các biến chứng nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, thậm chí tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), hiện có tới 589 triệu người trưởng thành trên toàn cầu đang sống chung với bệnh đái tháo đường – một con số được dự báo sẽ tăng lên 853 triệu người vào năm 2050. Tại Việt Nam, ước tính khoảng 7,3 triệu người đã được chẩn đoán, song còn hàng triệu người khác chưa biết mình mắc bệnh. Trong khi đó, tăng huyết áp – “người bạn đồng hành thầm lặng” – lại càng khiến gánh nặng sức khỏe ở người bệnh đái tháo đường thêm nghiêm trọng.


(Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm, ghi dấu một chương trình ý nghĩa vì sức khỏe cộng đồng)
Hội thảo quy mô lớn – Gắn kết tri thức, lan tỏa trách nhiệm
Xuất phát từ thực tiễn lâm sàng và yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả kiểm soát bệnh lý mạn tính; sáng ngày 19/7, tại Hội trường Gia Viên (TP. Hải Phòng), Hội thảo khoa học với chủ đề “Song hành kiểm soát Đái tháo đường và Tăng huyết áp cho người bệnh Việt Nam” đã được tổ chức thành công tốt đẹp, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp cùng sự tham dự đông đảo của y bác sĩ, cán bộ y tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong chuỗi sự kiện y học năm 2025 của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp – không chỉ thể hiện định hướng nâng cao chất lượng chuyên môn, mà còn khẳng định rõ trách nhiệm của Bệnh viện trong việc lan tỏa tri thức và đồng hành cùng cộng đồng người bệnh.
Thông điệp từ hội thảo – Cảnh báo rõ ràng, hành động thiết thực

Không chỉ là một diễn đàn học thuật, Hội thảo còn đóng vai trò như “hồi chuông cảnh báo” với cộng đồng – khi hai bệnh lý mạn tính đang từng ngày len lỏi vào mỗi gia đình Việt.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS.BS Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp nhấn mạnh: “Đái tháo đường và tăng huyết áp là hai bệnh lý mạn tính với diễn tiến âm thầm, có thể không biểu hiện triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, song lại gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời. Hội thảo hôm nay không chỉ mang lại giá trị học thuật cho đội ngũ y tế, mà còn là lời cảnh báo thiết thực gửi tới cộng đồng về tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa, tầm soát và điều trị bệnh lý mạn tính một cách sớm, toàn diện và hiệu quả.”
Chuyên gia đầu ngành – Nội dung chuyên sâu – Lợi ích thực tiễn
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nội tiết – tim mạch:
• PGS.TS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương;
• BSCKII. Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng Khoa Nội chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương;
• ThS.BSCKII Nguyễn Thị Thùy Ngân – Trưởng Khoa Thận & Nội tiết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.




(Hội tụ trí tuệ và tâm huyết – Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học tại TP. Hải Phòng)
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã lần lượt chia sẻ những chủ đề thiết thực:
• Tiếp cận toàn diện trong điều trị đái tháo đường – từ khuyến cáo đến thực hành lâm sàng;
• Phân tích ca bệnh thực tế được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp;
• Chiến lược tối ưu hóa kiểm soát huyết áp ở người bệnh đái tháo đường.


(“Không chỉ điều trị, mà phải kiểm soát toàn diện” – PGS.TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhấn mạnh vai trò của cách tiếp cận đa chiều trong quản lý bệnh đái tháo đường)


(ThS.BSCKII Nguyễn Thị Thùy Ngân – Trưởng Khoa Thân & Nội tiết, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp – chia sẻ ca lâm sàng thực tế trong điều trị bệnh Đái tháo đường, mang đến góc nhìn chân thực từ chính tuyến chuyên sâu chăm sóc người bệnh)


(BSCKII. Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng Khoa Nội chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ về giải pháp tối ưu hoá điều trị tăng huyết áp trên người bệnh Đái tháo đường trong thực tế lâm sàng, góp phần giảm nguy cơ biến chứng tim mạch)
Không chỉ dừng lại ở các bài tham luận chuyên sâu, phần thảo luận tương tác giữa chuyên gia và người tham dự đã diễn ra sôi nổi, thực chất. Nhiều tình huống lâm sàng phức tạp được đưa ra phân tích, cùng với những cập nhật về thuốc điều trị mới, phương pháp cá thể hóa điều trị theo từng nhóm bệnh nhân, hay các công cụ đánh giá nguy cơ biến chứng tim mạch hiện đại… đã giúp mở rộng đáng kể nền tảng kiến thức cho đội ngũ y tế tuyến đầu. Không khí trao đổi cởi mở, thực tiễn, góp phần làm nổi bật giá trị học thuật và tính ứng dụng cao của chương trình.



(Không khí Hội thảo trở nên sôi nổi với phần thảo luận chuyên môn, khi các chuyên gia hàng đầu tận tình giải đáp thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cùng các đại biểu tham dự)
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp – Trung tâm Y học chuyên sâu, tiên phong kết nối hệ thống y tế vùng
Là bệnh viện đa khoa hạng I, cấp chuyên sâu của thành phố Hải Phòng và khu vực Duyên hải Bắc Bộ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp không ngừng đẩy mạnh đào tạo liên tục, ứng dụng kỹ thuật cao và tổ chức các hoạt động khoa học chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán – điều trị cho người bệnh.
Hội thảo lần này tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của Bệnh viện trong việc dẫn dắt chuyên môn, gắn kết các cơ sở y tế tuyến trước và nâng tầm hệ thống y tế vùng.
Người dân – Trung tâm của “cuộc chiến” kiểm soát bệnh mạn tính hiệu quả
Đái tháo đường và tăng huyết áp là những bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát hiệu quả nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Với mục tiêu phòng bệnh hơn chữa bệnh, Hội thảo cũng gửi đi thông điệp rõ ràng tới cộng đồng về sự chủ động trong tầm soát và thay đổi lối sống.
Mỗi người dân cần:
• Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu thuộc nhóm nguy cơ cao (trung niên, béo phì, ít vận động, tiền sử gia đình có bệnh…).
• Duy trì lối sống khoa học: ăn nhạt, hạn chế tinh bột, tăng rau xanh, vận động thường xuyên, tránh rượu bia và bỏ thuốc lá.
• Tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám đúng hẹn nếu đang được chẩn đoán và theo dõi.
Chủ động tầm soát – Kiểm soát kịp thời – Sống khỏe mỗi ngày
Đó chính là thông điệp mà Hội thảo mong muốn lan tỏa tới mỗi người dân Việt Nam hôm nay.
Đỗ Thành