Tin tức
Hợp tác y tế quốc tế: Can thiệp thành công ca bệnh tổn thương động mạch vành phức tạp tại Khoa Can thiệp Tim & Mạch máu
“Vượt qua thách thức, chữa lành trái tim”
Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực y tế. Sự hợp tác này không chỉ nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm và làm việc gần đây của đoàn chuyên gia Bệnh viện Nagoya Ekisaikai (Nhật Bản) tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp là một minh chứng rõ nét cho sự hợp tác hiệu quả này.
(Đoàn chuyên gia Bệnh viện Nagoya Ekisaikai (Nhật Bản) chụp hình lưu niệm cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp tại Khoa Can thiệp Tim & Mạch máu)
Chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn
(TS.BS Takuma Tsuda, Bệnh viện Nagoya Ekisaikai – Nhật Bản, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong chuyên ngành tại Khoa Can thiệp Tim & Mạch máu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp)
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tiến sĩ, Bác sĩ Takuma Tsuda, chuyên gia hàng đầu đến từ Bệnh viện Nagoya Ekisaikai đã có buổi trao đổi chuyên môn với các y bác sĩ tại Khoa Can thiệp Tim và Mạch máu. Tại đây, Tiến sĩ Takuma Tsuda đã cung cấp nhiều thông tin mới nhất về những khuyến cáo chuyên ngành can thiệp tim mạch trên thế giới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn khi áp dụng những khuyến cáo đó trong điều trị một số ca bệnh phức tạp tại Nhật Bản hiện nay.
(ThS.BSNT Đặng Quang Hưng – Trưởng khoa Can thiệp Tim & Mạch máu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp chia sẻ, thảo luận chuyên môn cùng đoàn chuyên gia Bệnh viện Nagoya Ekisaikai - Nhật Bản)
(Các y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp cùng các chuyên gia Bệnh viện Nagoya Ekisaikai - Nhật Bản trong buổi trao đổi, thảo luận chuyên môn)
Thực hiện thành công ca can thiệp phức tạp
Sau phần thảo luận lý thuyết, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã phối hợp cùng ekip Khoa Can thiệp Tim và Mạch máu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp tiến hành thực hiện can thiệp trực tiếp cho một nam người bệnh 62 tuổi, cư trú tại quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, được chỉ định can thiệp Động mạch mũ (LCx) còn hẹp 90% tổn thương rất phức tạp, mạch xoắn vặn, vôi hóa nhiều.
Trước đó, người bệnh có tiền sử bệnh lý, như:
• Stent Động mạch vành phải (RCA12) (03/10/2024).
• Hẹp 90% Động mạch Mũ (LCx2).
• Hẹp 60% Động mạch Liên thất trước (LAD12).
• Tăng huyết áp, Đái tháo đường type 2 và rối loạn lipid máu.
Đợt này, người bệnh vào viện với triệu chứng đau ngực trái, cảm giác nặng tức, các cơn đau kéo dài khoảng 20 phút. Qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị cơn đau thắt ngực không ổn định với tổn thương động mạch vành phức tạp, cần can thiệp ngay.
Trong ca can thiệp, nhiều dụng cụ chuyên biệt gồm ống thông can thiệp siêu nhỏ, bộ hỗ trợ dụng cụ đẩy sâu vào lòng động mạch vành,... đã được các chuyên gia đưa vào sử dụng. Quá trình thực hiện, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, các thông số huyết động ổn định.
Sau khi kết thúc can thiệp, người bệnh đỡ đau ngực nhiều, các thông số chức năng tim trên siêu âm và kết quả xét nghiệm máu đã cải thiện rõ rệt. Dự kiến người bệnh sẽ được xuất viện sau 4 - 5 ngày điều trị nội trú.
Thành công của ca can thiệp không chỉ là minh chứng thuyết phục về hiệu quả của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị các bệnh lý tim mạch tại thành phố Hải Phòng. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp với các cơ sở y tế có uy tín trong và ngoài nước. Nhờ đó, người dân tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận có thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế tiên tiến ngay tại địa phương, vừa đảm bảo chất lượng điều trị cao, vừa giúp tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị do không phải di chuyển xa.
Đỗ Thành