Tin tức
NGƯỜI BỆNH LỌC MÁU CHU KỲ CẦN LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC CẦU TAY?
Cầu tay là “yếu tố sống còn của người bệnh lọc máu chu kỳ”. Chăm sóc và bảo vệ cầu tay trong tình trạng tốt là vô cùng cần thiết. Chỉ cần một số hành động đơn giản, dễ làm giúp cho chúng ta có một cầu nối tốt, phòng ngừa biến chứng và kéo dài tuổi thọ của cầu nối.
1. Chăm sóc cầu tay chạy thận như thế nào?
Người bệnh cần kiểm tra hàng ngày xem cầu tay của mình có đang hoạt động tốt không:
- Nhìn: Quan sát cầu tay để kiểm tra dấu hiệu của sự nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ, đau), chảy máu, bong tróc, phồng rộp.
- Nghe: Áp tai lên cầu tay sẽ nghe thấy âm thanh của dòng máu đang chảy qua cầu tay, nghe tiếng thổi “roành, roành” hoặc “phù, phù”.
- Cảm nhận: Đặt nhẹ ngón tay lên cầu tay sẽ cảm nhận được độ rung nhẹ. Nếu tiếng thổi hoặc mức độ rung ở cầu tay bị mất hoặc thay đổi, người bệnh phải báo ngay cho bác sĩ vì điều này có nghĩa là đường vào mạch máu đang hoạt động không tốt.
2. Những lưu ý để bảo vệ cầu tay
- Tránh những thói quen không tốt ảnh hưởng đến cầu tay như: xách nặng, gối đầu hoặc nằm nghiêng mình chèn ép lên tay có cầu nối
- Không đeo đồng hồ, vòng tỳ đè lên tay có cầu nối
- Tránh tiêm, lấy máu xét nghiệm, đo huyết áp ở tay có cầu nối làm tắc, hỏng cầu nối
- Xác định chính xác cân khô để tránh bị tụt huyết áp trong lúc lọc máu. “Cân khô” là trọng lượng cơ thể của người bệnh sau khi đã loại bỏ hoàn toàn lượng nước dư thừa do tích tụ trong cơ thể. Việc xác định chính xác cân khô là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho quá trình chạy thận.
- Nên:
+ Mặc áo có tay áo rộng rãi, không có cảm giác vướng chật
+ Đeo băng thể thao ôm nhẹ vào vị trí cầu nối
3. Chăm sóc cầu tay
* Trước khi lọc máu:
- Rửa tay có cầu nối bằng xà phòng hàng ngày và trước khi vào phòng lọc máu
- Khi nhân viên y tế đã sát khuẩn tay có cầu nối, người bệnh không được tự ý chạm vào vùng đã sát khuẩn
* Sau khi lọc máu:
- Khi rút kim khỏi vị trí chọc cầu nối, nên ép bông tại điểm chọc rồi mới băng trợ giúp
- Không băng ép quá chặt sau khi kết thúc lọc máu tránh hiện tượng phồng mạch giả, dẫn đến chít hẹp mạch chính, băng chặt quá còn gây tắc cầu tay
- Tháo bông cầm máu theo lời dặn của bác sĩ (băng trợ giúp sau 4 – 8 giờ)
- Không gãi hay cạy vẩy ở vết chọc cũ, không tự động bôi bất cứ thuốc gì lên cầu nối khi chưa có chỉ định của bác sĩ
- Nếu sưng nề vị trí chọc cầu nối: Chườm đá ngắt quãng từ 20 phút đến 4 giờ trong 24 giờ đầu, những ngày sau đắp gạc ẩm và ấm, hoặc đắp Acetat chì (nếu có).
- Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có bất kỳ dấu hiệu sau:
+ Chảy máu liên tục khó cầm máu
+ Khi có dấu hiệu nhiễm trùng sớm (đau, sưng, nóng, đỏ, chảy máu, bật vẩy, sốt …)
+ Tụt huyết áp ở nhà với dấu hiệu: Mệt, buồn nôn, chuột rút, vã mồ hôi, huyết áp thấp thì nằm đầu thấp, gác chân cao, uống nước chè đường hoặc chè gừng, sữa nóng. Khi cảm thấy dễ chịu nên kiểm tra tiếng rung cầu nối. Khi tiếng rung ở cầu nối hoặc mạch đập cầu nối nhỏ đi hoặc mất đi thì báo ngay cho bác sĩ.
4. Yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của cầu tay
- Người bệnh có nhiều bệnh lý nền khác như: đái tháo đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh hệ thống, viêm mạch
- Cơ địa có hệ mạch máu nhỏ, kém phát triển, nhiều nhánh, thành mạch yếu, lớp mỡ dưới da quá mỏng
- Tụt huyết áp: Dễ hình thành cục máu đông nguy cơ bị tắc cầu nối rất cao
- Tình trạng máu tăng đông, số lượng tiểu cầu trong máu cao: Dễ hình thành cục máu đông gây tắc cầu nối
- Sự cẩn thận của người bệnh trong việc chăm sóc, giữ gìn, và bảo vệ cầu tay
- Kỹ thuật cắm kim chạy thận. Kỹ thuật phẫu thuật tạo cầu nối thông động – tĩnh mạch
- Ở một số người bệnh sau khi phẫu thuật AVF, hệ mạch máu chưa nở, mạch còn nhỏ, kém phát triển, cầu nối còn yếu… bác sĩ sẽ hướng dẫn tập tay: tập bóp banh, bóp kim lò xo giúp cho mạch máu giãn nở. Bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra đường vào mạch máu cho người bệnh: đo tốc độ máu, đo áp lực đường vào mạch máu, siêu âm đường vào mạch máu.
Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp là địa chỉ tin cậy cho người bệnh suy thận mạn trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận tại khu vực như: Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh,... tới thăm khám, điều trị và lọc máu. Với đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng tận tâm, giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, không ngừng cập nhật kiến thức và các phương pháp điều trị tiên tiến, khoa Thận nhân tạo luôn luôn mong muốn mang đến chất lượng lọc máu tốt nhất cho người bệnh.
Liên hệ Hotline để được tư vấn miễn phí: 0225 6253 425.