Tin tức
NHẬN BIẾT BAN ĐẦU VÀ DỰ PHÒNG LOÉT DO TỲ ĐÈ
1. Loét tỳ đè là gì?
Loét do tỳ đè là tổn thương hoại tử da và tổ chức phần mềm giữa vùng xương với vật có nền cứng, là hậu quả của quá trình bị tỳ đè kéo dài gây thiếu máu nuôi tổ chức dẫn đến chết tế bào.
2. Các yếu tố gây nguy cơ loét tỳ đè
• Áp lực: Vùng phần mềm bị đè ép bởi trọng lượng cơ thể trong một thời gian dài giữa phần chồi ra của xương và phần mặt phẳng cứng bên ngoài.
• Da ẩm ướt: Sự ẩm ướt dễ làm da bị tổn thương gây loét. Đặc biệt khi người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ, vùng cùng cụt bị ẩm ướt do ngấm nước tiểu hoặc phân tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển, tăng nguy cơ loét và trầm trọng thêm vết loét.
• Sự chà xát: Khi da người bệnh bị chà xát vào bề mặt cứng có thể gây vết trầy xước nhỏ, từ đó dễ hình thành tổn thương và gây nên loét.
• Bệnh lý:
+ Tình trạng thiếu oxy nuôi dưỡng phần mềm vùng tỳ đè do bệnh động mạch, tĩnh mạch: Đái tháo đường, ung thư, nhiễm trùng,…
+ Các bệnh lý mạn tính làm gia tăng các yếu tố gây loét như béo phì, sa sút trí tuệ, parkinson,...
• Tình trạng nhận thức: Những người lơ mơ, hôn mê dẫn đến không thể tự xoay trở. Điều này cũng góp phần gây ra tình trạng đại tiểu tiện không kiểm soát dẫn đến tăng nguy cơ gây loét.
• Dinh dưỡng: Dinh dưỡng thiếu sẽ bị gầy yếu dễ gây loét vị trí tỳ đè.
• Tuổi: Tuổi càng cao da càng trở nên mỏng manh, kém đàn hồi nên nguy cơ loét cao.
3. Những vị trí dễ bị loét khi bất động 1 tư thế lâu
• Nằm ngửa: Vùng cùng cụt, gót chân, vùng chẩm, bả vai, khuỷu tay, gai chậu sau trên.
• Nằm nghiêng: Mắt cá chân ngoài, vai, hông, phía ngoài đầu gối bên này và mặt trong đầu gối bên chân kia, mấu chuyển lớn xương đùi.
• Nằm sấp: Vùng xương ức, vùng xương sườn, đầu gối, mu chân.
• Ngồi: Ụ ngồi của xương chậu, vai, xương cùng, vùng khoeo, gót chân.
4. Nhận biết ban đầu loét tỳ đè
• Da đổi màu bất thường: Người có da trắng sẽ xuất hiện mảng đỏ. Người có da sậm lại nhìn thấy những mảng màu tím hoặc xanh.
• Khi ấn vào vị trí này, da không đổi sang màu trắng. Đây là biểu hiện của việc thiếu máu cung cấp tới các mô và tế bào dưới da.
• Da ấm hoặc lạnh, có thể mềm hoặc cứng hơn bình thường.
• Cảm thấy đau nhức, ngứa ngáy.
• Diện loét tăng dần kích thước và độ sâu có thể tổn thương tận cơ, gân, xương nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách.
5. Phòng ngừa loét do tỳ đè: Cần phối hợp nhiều biện pháp
5.1. Giảm áp lực tỳ đè:
- Thay đổi tư thế thường xuyên ít nhất 2h/lần.
- Đệm, lót vùng bị tỳ đè, dùng đệm chống loét: Đệm hơi, đệm nước...
- Ngồi dậy, đi lại (nếu được)
55.2. Vệ sinh da sạch sẽ
- Thay quần áo, ga trải giường mỗi khi ẩm ướt (quần áo làm bằng cotton dễ thấm hút mồ hôi)
- Vệ sinh hàng ngày, giữ cho da luôn sạch sẽ và khô ráo (chú ý các nếp gấp da)
Lưu ý: Khi vệ sinh da cần phải quan sát kĩ để phát hiện tổn thương loét giai đoạn sớm
5.3. Phòng ngừa tổn thương da
• Tránh da bị trầy xước
• Khi di chuyển từ giường sang ghế, xe lăn và ngược lại, cần thực hiện đúng kỹ thuật và nhẹ nhàng, tránh để da bị chà xát
• Theo dõi các vị trí ma sát, nẹp, bột cố định…
5.4. Dinh dưỡng
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt à protein, vitamin và các yếu tố vi lượng, đảm bảo đủ năng lượng
5.5. Môi trường sống
Giữ môi trường sống thông thoáng, khô ráo và sạch sẽ. Các vết loét do tỳ đè nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khiến cho người bệnh có nguy cơ tử vong cao do hoại tử và nhiễm trùng. Vì vậy khi phát hiện có tình trạng loét tỳ đè cần đến ngay cơ sở ý tế để chăm sóc, điều trị vết loét để tránh các biến chứng và tăng nặng tình trạng bệnh.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám, xin vui lòng liên hệ: Khoa Ngoại 11: Bỏng – Tạo hình và phẫu thuật tuyến giáp - tầng 2 nhà A, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp – Số 1 đường Nhà Thương, phường Cát Dài, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Số điện thoại: 02252 888 123