TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC GÂY MÊ

1.    Thuốc mê là gì ?
Thuốc mê là thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương có hồi phục khi người bệnh được sử dụng ở liều lượng nhất định. Nhờ có thuốc mê, người bệnh sẽ mất ý thức tạm thời, mất cảm giác và phản xạ, không còn cảm giác đau khi mổ. Tuy nhiên, cơ thể người bệnh vẫn được duy trì các chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn, chuyển hóa, bài tiết,…
Trong y học, thuốc mê thường được đưa vào cơ thể dưới 2 dạng:
•    Thuốc mê đường hô hấp: tồn tại ở dạng thể khí hoặc lỏng nhưng bốc hơi, do đó, người bệnh sẽ được hít hơi thuốc mê để thuốc đi qua phế nang vào máu. Các loại thuốc phổ biến mà bác sĩ thường sử dụng gồm ether, isoflurane, desflurane và sevoflurane.
•    Thuốc mê đường tĩnh mạch: nhóm barbiturat, nhóm benzodiazepin, nhóm ức chế thần kinh (neuroleptic), nhóm gây ngủ (hypnotic). Các loại thuốc này được tiêm vào tĩnh mạch người bệnh. Ở nhóm này, bác sĩ thường dùng thuốc gây mê propofol.
Dù thuốc mê được đưa qua đường hô hấp hay tĩnh mạch thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải tìm đến hệ thần kinh trung ương, giúp người bệnh rơi vào trạng thái mất ý thức, ức chế tạm thời thần kinh vận động.
 


2.    Tác dụng phụ của thuốc gây mê
2.1. Tác dụng phụ thường gặp:
•    Buồn nôn và ói mửa: tình trạng này rất phổ biến có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày đầu sau phẫu thuật và có thể gây ra bởi một số yếu tố, chẳng hạn như thuốc, chuyển động của cơ thể và loại phẫu thuật.
•    Đau họng: ống nội khí quản được đặt trong cổ họng giúp đường hô hấp vẫn hoạt động an toàn dù người bệnh bất tỉnh nhưng có thể khiến đau họng khi kết thúc ca mổ.
•    Lú lẫn: xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi nhưng có thể kéo dài trong khoảng một tuần. Người bệnh cảm thấy mất phương hướng và gặp khó khăn trong việc ghi nhớ hoặc tập trung.
•    Đau nhức cơ bắp: các loại thuốc dùng để thư giãn cơ bắp trước khi đặt ống thở có thể gây ra tình trạng cơ bắp đau nhức.
•    Ngứa ngáy: tác dụng phụ phổ biến của một loại thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện đôi khi được sử dụng cùng với thuốc mê.
•    Ớn lạnh và rùng mình (hạ thân nhiệt): hiện tượng này xảy ra ở gần một nửa số người bệnh khi tỉnh lại sau phẫu thuật và có thể liên quan đến nhiệt độ cơ thể.
2.2 Tác dụng phụ hiếm gặp:
•    Mê sảng sau phẫu thuật (hoặc rối loạn chức năng nhận thức): tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ và học tập dài hạn ở một số người bệnh. Chúng phổ biến hơn ở người lớn tuổi vì bộ não lão hóa khó phục hồi sau khi gây mê. Ngoài người già, những người mắc các bệnh như bệnh tim (đặc biệt suy tim sung huyết), bệnh Parkinson hoặc bệnh Alzheimer hoặc người từng bị đột quỵ trước đó cũng có nhiều nguy cơ hơn. Vì vậy, nếu người bệnh từng hoặc đang mắc các bệnh này nên thảo luận với bác sĩ để giảm nguy cơ tác dụng phụ.
•    Tăng thân nhiệt ác tính: đây là phản ứng nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong. Chúng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, làm cho cơ thể người bệnh tăng nhiệt độ nhanh chóng và gây co cơ. Cần thảo luận với bác sĩ nếu người bệnh từng say nắng hoặc tăng thân nhiệt ác tính trong một cuộc phẫu thuật từ trước.
•    Các vấn đề về hô hấp trong và sau phẫu thuật: gây mê có thể nguy hiểm hơn với người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ (do tắc nghẽn). Ở những người bệnh mắc bệnh này, gây mê có thể khiến cổ họng đóng lại trong khi phẫu thuật và khiến việc lấy lại ý thức và hít thở trở nên khó khăn hơn sau phẫu thuật.
 


3.    Làm thế nào để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc gây mê?
Việc áp dụng một số biện pháp kiểm soát , thăm khám trước gây mê sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc mê, phòng tránh các biến chứng hậu phẫu.
•    Giảm các yếu tố nguy cơ tác dụng phụ: Về cơ bản thì việc sử dụng thuốc gây mê khá an toàn. Tuy nhiên người cao tuổi và người trải qua cuộc phẫu thuật lớn trong thời gian dài có nguy cơ cao xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc mê và gặp phải kết quả bất lợi. Do đó, trước khi có lịch hẹn ngày mổ, người bệnh hãy cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ tình trạng nào sau đây, vì chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phẫu thuật và tốc độ hồi phục của người bệnh:
•    Dị ứng thuốc.
•    Bệnh tiểu đường.
•    Huyết áp cao.
•    Co giật.
•    Béo phì.
•    Bệnh phổi.
•    Bệnh thận.
•    Bệnh tim.
•    Chứng ngưng thở lúc ngủ.
•    Tiền sử phản ứng bất lợi với thuốc mê.
•    Người bệnh hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng thuốc làm loãng máu.
•    Sử dụng thuốc giảm tác dụng phụ: thuốc tiền mê có tác dụng an thần cho người bệnh, tăng hiệu quả thuốc mê đồng thời phòng tránh các tác dụng phụ và biến chứng của chúng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc gây mê cơ sở để giúp khởi mê nhanh, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình phẫu thuật cho người bệnh.
Thực tế trên mỗi người bệnh với tiền sử bệnh nền và cơ địa khác nhau,trước những yêu cầu của cuộc phẫu thuật (vị trí phẫu thuật, thời gian phẫu thuật, cách thức phẫu thuật ) bác sĩ gây mê sẽ có những lựa chọn thuốc , phương pháp gây mê  gây mê phù hợp đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa tác dụng phụ không mong muốn của quá trình gây mê. 
Với trình độ cao, giàu kinh nghiệm đội ngũ bác sĩ khoa Gây mê hồi sức đã thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật mỗi năm của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp. Chúng tôi luôn mang đến cho mỗi người bệnh một cuộc gây mê chất lượng tốt nhất theo tiêu chí “ An Toàn - Êm Dịu - Hồi Phục Sớm”