TỔNG QUAN VỀ BỆNH CƠ TIM CHU SẢN

1. Bệnh cơ tim chu sản là bệnh gì?
Bệnh cơ tim chu sản (Peripartum cardiomyopathy) là một bệnh lý cơ tim hiếm gặp, gây ra tình trạng suy tim xảy ra vào cuối thai kỳ hoặc những tháng đầu sau sinh, khi không tìm thấy nguyên nhân nào khác gây suy tim. Phần lớn bệnh cơ tim chu sản được chẩn đoán vào tháng cuối của thai kỳ và những tuần đầu sau sinh, nhưng bệnh có thể xảy ra sau sinh 5 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh cơ tim chu sản được chẩn đoán ở những phụ nữ không có bệnh tim mạch trước đó.
 

2. Nguyên nhân gây bệnh cơ tim chu sản
Hiện nay chưa xác định được cụ thể nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim chu sản. Đây là một loại bệnh cơ tim giãn vô căn, bắt đầu bằng chuỗi phản ứng viêm, khiến cơ tim bị tổn thương (hoại tử, xơ hóa, chết theo chương trình) gây ra giảm sức co bóp, từ đó dẫn đến suy tim.
Một số nguyên nhân gây bệnh cơ tim chu sản đã được phát hiện, bao gồm
•    Sự tăng tiết Prolactin-23 kDa và giảm nồng độ SAT3 trong máu (Signal Transducers and Activators of Transcription 3): Phụ nữ mang thai những tháng cuối và sau sinh tăng tiết Prolactin-23 kDa trong máu. SAT3 là một Protein làm ức chế sự phân cắt Prolactin-23 kDa thành Prolactin-16 kDa. Giảm nồng độ SAT3 dẫn đến tăng cao nồng độ Prolactin-16 kDa trong máu, đây là một chất gây tổn thương cơ tim thông qua cơ chế chống tăng trưởng tế bào nội mạc, ức chế sự di chuyển tế bào nội mô, cản trở sự hình thành cấu trúc vi mạch, phá hủy cấu trúc vi mạch hiện có của mô cơ tim, thúc đẩy tế bào cơ tim chết theo chương trình, làm suy giảm chức năng của cơ tim, dãn buồng tim.
•    Sự gia tăng nồng độ sFlt 1 (Soluble Fms-Like Tyrosine Kinase 1): đây được coi là 1 Protein kháng tạo mạch máu trong huyết thanh được nhau thai bài tiết.
•    Yếu tố di truyền: các biến thể trong các gen mã hóa các protein sarcomeric Titin, myosin và troponin có thể gây ra bệnh cơ tim chu sản.
•    Viêm cơ tim do virus: viêm cơ tim do virus khiến cơ tim bị hoại tử, xơ hóa, chức năng tim bị suy giảm.
•    Cơ chế tự miễn dịch: một loạt nghiên cứu nhỏ phát hiện ra tự kháng thể chống lại thụ thể adrenergic và protein sarcomeric phổ biến ở người bệnh mắc cơ tim chu sản.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sản ở phụ nữ mang thai, bao gồm:
•    Thai phụ lớn tuổi: tuổi mang thai > 30 tuổi.
•    Đa thai
•    Thai phụ bị suy dinh dưỡng, thiếu khoáng chất selenium hoặc lạm dụng cocain.
•    Tiền sản giật
•    Chủng tộc: phụ nữ da đen có nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sản cao hơn các chủng tộc khác.
 


3. Triệu chứng bệnh cơ tim chu sản
Hầu hết phụ nữ mắc bệnh cơ tim chu sản có biểu hiện Suy tim như:
•    Khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm, khó thở khi ngủ, khó thở khi nằm
•    Phù chân
•    Tức ngực, tim đập nhanh
Một số ít trường hợp bệnh cơ tim chu sản có biểu hiện rối loạn nhịp tim nặng, sốc tim, biến chứng tắc mạch do thuyên tắc huyết khối.
Cần đặc biệt lưu ý là các triệu chứng: khó thở, tim đập nhanh, phù chân của bệnh dễ nhầm lẫn với những biểu hiện bình thường ở thai phụ những tháng cuối dẫn đến chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị bệnh cơ tim chu sản.
 


4. Chẩn đoán bệnh cơ tim chu sản
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim chu sản
Để chẩn đoán bệnh cơ tim chu sản, bác sĩ dựa vào những tiêu chuẩn sau:
•    Suy tim xuất hiện vào tháng cuối của thai kỳ hoặc sau khi sinh vài tháng.
•    Người bệnh không bị suy tim trước khi bệnh được phát hiện.
•    Không tìm thấy các nguyên nhân khác gây ra suy tim.
•    Siêu âm tim: phân suất tống máu tâm thu thất trái LVEF < 45%.
Phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim chu sản
•    Siêu âm tim: Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn và hữu ích nhất trong chẩn đoán bệnh cơ tim chu sản. Người bệnh có biểu hiện rối loạn chức năng thất trái với phân suất tống máu thất trái LVEF <45% và thường (nhưng không phải luôn luôn) giãn thất trái và không thấy nguyên nhân gây suy tim nào khác. Ngoài ra siêu âm tim có thể đánh giá sự biến đổi kích thước và hình thái của các buồng tim và huyết khối trong tim. 
•    Điện tâm đồ: điện tâm đồ là xét nghiệm an toàn, rẻ tiền, góp phần phân biệt bệnh cơ tim chu sản với các bệnh khác. Mặc dù không có thay đổi điện tâm đồ đặc hiệu cho bệnh cơ tim chu sản, nhưng các dấu hiệu thường gặp bao gồm: nhịp tim nhanh, block nhánh trái, bất thường tái cực…
•    Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: khi siêu âm tim hình ảnh chưa rõ ràng, chụp cộng hưởng từ có thể đánh giá chính xác hơn về cấu trúc và chức năng tim, và đôi khi có thể hữu ích nếu nghi ngờ chẩn đoán khác như bệnh cơ tim thất phải và viêm cơ tim. Nên tránh sử dụng gadolinium cho đến sau khi sinh do tăng nguy cơ thai chết lưu, tử vong ở trẻ sơ sinh.
•    Dấu ấn sinh học tim: Các chỉ số đo nồng độ BNP, NT-ProBNP, Troponin I, Troponin T tăng cao khi bị suy tim do sức căng thành thất tăng.
•    Hình ảnh chụp CT scans chưa được nghiên cứu trong bệnh cơ tim chu sản nhưng có thể dùng để chẩn đoán loại trừ các tình trạng khác gây khó thở, ví dụ như thuyên tắc động mạch phổi. Ở phụ nữ mang thai, nên che chắn bụng để giảm thiểu phơi nhiễm của thai nhi với bức xạ.
•    Sinh thiết nội mô cơ tim: chỉ áp dụng cho các trường hợp nghi ngờ bệnh cơ tim hiếm gặp khác gây ra suy tim như: viêm cơ tim tế bào khổng lồ, sarcoidosis tim, sẽ thay đổi cách xử trí.
•    Chẩn đoán loại trừ: cần loại trừ các bệnh lý tim mạch khác cũng gây ra suy tim ở phụ nữ mang thai như: nhồi máu cơ tim, tim bẩm sinh, van tim, viêm cơ tim, tăng áp lực động mạch phổi.
 


5. Điều trị bệnh cơ tim chu sản
- Nguyên tắc điều trị bệnh cơ tim chu sản bao gồm:
•    Hạn chế dịch (< 2 lít/ngày) và muối (2 - 4g/ngày).
•    Tăng cường khả năng co bóp của cơ tim
•    Giảm tiền tải và hậu tải
•    Kiểm soát rối loạn nhịp tim
•    Phòng ngừa thuyên tắc mạch
- Các nhóm thuốc điều trị bệnh cơ tim chu sản:
•    Lợi tiểu quai Furosemid: được chỉ định khi biện pháp hạn chế dịch và muối không cải thiện triệu chứng của bệnh như: phù chân, phù phổi.
•    Hydralazin, nitrat: có thể phối hợp với lợi tiểu quai để cải thiện triệu chứng bệnh.
•    Digoxin: thuốc có vai trò tăng sức co bóp cơ tim, thuốc được chỉ định trong trường đã sử dụng các thuốc khác nhưng không làm thuyên giảm hoặc cải thiện triệu chứng suy tim.
•    Chẹn thụ thể beta giao cảm: làm giảm nhịp tim, kéo dài thời gian tâm trương, làm tăng tưới máu cơ tim.
•    Ức chế men chuyển, ức chế thụ thể của Angiotensin II: chỉ được dùng sau khi sinh.
•    Lợi tiểu kháng Aldosteron: chỉ được dùng sau khi sinh.
•    Thuốc chống đông: Người bệnh mắc bệnh cơ tim chu sản cần dự phòng thuyên tắc mạch trong khi mang thai bằng Heparin trọng lượng phân tử thấp, sau sinh bằng thuốc kháng Vitamin K.
 


- Những trường hợp bệnh cơ tim chu sản nặng có thể phải sử dụng các thuốc chủ vận Beta giao cảm (Dobutamin, Isoproterenol), Levosimendan, hỗ trợ tuần hoàn cơ học, sốc điện chuyển nhịp và khử rung tim, ghép tim.
- Các thuốc mới điều trị bệnh cơ tim chu sản: ức chế Prolactin, liệu pháp antisense kháng lại microRNA-146a,  Chất chủ vận VEGF và loại bỏ các protein chống angiogen, Serelaxin, Pentoxifylin: đã chứng minh được hiệu quả điều trị bệnh cơ tim chu sản nhưng cần có những nghiên cứu quy mô lớn hơn.
- Vấn đề quản lý trong thai kỳ: trước sinh, người bệnh cần được điều trị tối ưu tình trạng suy tim. Sinh thường qua đường âm đạo vẫn là phương pháp sinh tốt hơn so với sinh mổ để tránh các nguy cơ như mất máu, thuyên tắc phổi, viêm nội mạc tử cung. Tuy nhiên, sản phụ cần được gây tê vùng và giảm đau ngoài màng cứng để làm giảm các cơn đau lúc sinh.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh cơ tim chu sản làm tăng tỉ lệ phục hồi chức năng tim và giảm tỉ lệ tử vong. 
Khoa Tim mạch Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã thành lập đơn nguyên “Tim mạch và thai sản”, với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu và hệ thống máy Siêu âm tim hiện đại có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và chăm sóc tốt nhất qua địa chỉ: 

KHOA TIM MẠCH – BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT TIỆP - TRÁI TIM CỦA BẠN LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TÔI
Địa chỉ: Tầng 3, 4 Tòa nhà C, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Số 1 đường Nhà Thương, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng)
Holine: 0225.2636.996