...

CỨU SỐNG SẢN PHỤ BỊ HỘI CHỨNG HELLP NGUY KỊCH

Người xưa có câu “chửa đẻ, cửa mả” để nói về sự nguy hiểm trong quá trình mang thai và chuyển dạ mà người phụ nữ phải đối mặt. Bên cạnh niềm hạnh phúc chờ đón thành viên mới là những nguy cơ tiềm ẩn trong thai kỳ vẫn luôn rình rập.

Khi những ngày đầu xuân vừa sang để bắt đầu một năm mới năm Giáp Thìn nhẹ nhàng hơn, phát triển hơn sau nhưng năm tháng ảm đạm kéo dài vì dịch bệnh và suy thoái. Với gia đình anh Tuấn Anh tại Liên Hoà – Kim Thành - Hải Dương thì niềm vui còn đang dần trọn vẹn hơn khi gia đình chuẩn bị đón bé trai tuổi Rồng sắp chào đời. Và mọi sự chuẩn bị cả về tinh thần, đồ đạc cho bé và mẹ dải ổ cũng đã được hoàn tất chu đáo trong sự chờ đón của cả dòng họ.

Tối ngày 24/02, sản phụ Đồng Thị M – 32 tuổi, mang thai con lần 2 tuần thứ 36 xuất hiện cơn đau bụng cài xuống dưới. Với tinh thần sẵn sàng dải ổ, chị được gia đình đưa đến bệnh viện Phụ sản – Hải Phòng ngay trong đêm. Tại đây, chị được chẩn đoán: Chuyển dạ đẻ - thai lần 2 tuần thứ 36/vết mổ đẻ cũ. Chị đã được các Bác sĩ trực trong đêm tiến hành mổ lấy thai – thiên thần nhỏ 1900 gr đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui, tiếng cười hạnh phúc của cả gia đình. Mọi việc diễn biến hoàn toàn tự nhiên và thuận lợi đến 6h sau sinh thì chị Đồng Thị M xuất hiện cơn co giật, tím tái toàn thân. Ngay lập tức, chị được các bác sĩ khoa gây mê hồi sức bệnh viện Phụ sản đặt ống Nội khí quản, thở máy, dùng thuốc cắt cơn co giật. Bệnh nhân tỉnh lại sau đặt ống khoảng 3h, và được rút ống Nội khí quản sau đó. Mọi sự lo lắng của gia đình và kíp trực đang dịu đi thì sản phụ lại xuất hiện cơn co giật, tím tái toàn thân lần thứ 2. Khi này, sự lo sợ của gia đình và các y bác sĩ tăng lên gấp bội, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản lần 2, tiếp tục duy trì thuốc cắt cơn co giật. Các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm của sản phụ hướng tới chẩn đoán: Hội chứng HELLP (Hemolysis, Elevated Liver enzymes and Low Pletelets syndrome) – một biến chứng sản khoa nặng nề, tỷ lệ tử vong cao, bao gồm sự kết hợp của tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu.

Hội chứng HELLP có tỷ lệ mắc 0.5-0.9%, khoảng 70% xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ, số còn lại xảy ra trong 48h sau sinh. Tỷ lệ tử vong của sản phụ mắc hội chứng HELLP là 0-24%, tỷ lệ tử vong chu sinh lên đến 37% [1]

Nguyên nhân của hội chứng HELLP vẫn chưa rõ ràng nhưng được cho là một rối loạn viêm hệ thống được điều hòa bởi một loạt các bổ thể với tình trạng nhau thai kém, nhưng không rõ lý do, nó có thể dẫn đến kích hoạt quá mức hệ thống bổ thể và viêm gan nặng hơn ở những bệnh nhân mắc hội chứng HELLP. Một phần của hội chứng HELLP là do rối loạn điều hòa bổ thể liên quan đến bệnh lý vi mạch huyết khối và có thể biểu hiện bằng hội chứng tăng ure huyết tán liên quan đến thai kỳ (HUS) Sự thiếu hụt 3-hydroxy acyl CoA dehydrogenase (LCHAD) chuỗi dài của thai nhi có thể góp phần vào cơ chế bệnh sinh của hội chứng HELLP [1]

Ngay khi được chẩn đoán hội chứng HELLP, sản phụ Đồng Thị M được kíp trực bệnh viện Phụ sản hội chẩn và quyết định chuyển sản phụ sang bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp điều trị. Bệnh nhân được xe cấp cứu chuyển thẳng vào khoa Hồi sức yêu cầu mà không mất thời gian transit làm thủ tục hành chính.

21h ngày 25/02, tại khoa HSYC, Bệnh nhân Đồng Thị M được xác định có tình trạng suy đa tạng: Suy gan cấp – rối loạn đông máu nặng – suy thận cấp – viêm phổi sặc do biến chứng của hội chứng HELLP. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được duy trì an thần, truyền Magiesulfat liên tục để hạn chế cơn co giật có thể tái diễn nguy hiểm đến tính mạng và các biến chứng thần kinh sau này. Song song với đó, bệnh nhân được điều trị các biến chứng của hội chứng HELLP, truyền các chế phẩm máu để điều trị tình trạng rối loạn đông máu. Lọc máu liên tục để điều trị tình trạng suy gan cấp và suy thận cấp. Hội chẩn với Bác sĩ chuyên khoa Sản – bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp để kiểm soát sản dịch cũng như tình trạng căng sữa của sản phụ.

Hình ảnh bệnh nhân Đồng Thị M đang được lọc máu liên tục tại khoa

Sau 03 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, không có biến chứng thần kinh, tình trạng rối loạn đông máu đã được kiểm soát, men gan đã dần ổn định và bệnh nhân đã đi tiểu trở lại. Bệnh nhân được rút ống Nội khí quản ngày thứ 3, các sinh hoạt cơ bản của bệnh nhân đã dần chủ động được

Trong suốt 03 ngày thở máy, là những lo lắng xen lẫn sự sốt ruột của chồng bệnh nhân cũng như gia đình hai bên. Và không ít lần, gia đình sản phụ lo lắng và hỏi về vấn đề có nên chuyển sản phụ lên các bệnh viện tuyến trên, nhưng với kinh nghiệm của các bác sĩ khoa hồi sức yêu cầu và khoa sản, gia đình hai bên và chồng bệnh nhân luôn được trưởng khoa Nguyễn Văn Lữ giải thích tình trạng, động viện và chia sẻ với gia đình. Nhờ đó mà gia đình an lòng hơn, bệnh nhân được điều trị với phác đồ tối ưu nhất ngay tại cơ sở mà gia đình không phải vất vả, lỉnh kỉnh chuyển tuyến cho người bệnh.

Khi sản phụ tỉnh, được hỏi kỹ về qúa trình mang thai, hai vợ chồng vẫn đi khám thai định kỳ tại phòng khám với máy siêu âm 4 chiều hiện đại để theo dõi thai nhi. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không khám tầm soát các bệnh lý của người mẹ. Có lẽ, không chỉ sản phụ Đồng Thị M, mà nhiều sản phụ khác vẫn chỉ quan tâm tới việc đi siêu âm thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi mà quên mất rằng, khi đó thai nhi đang hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ, và quên đi việc khám sàng lọc bệnh lý của người mẹ như các bệnh chuyển hoá đường, mỡ, các bệnh lý đông máu, viêm gan…Do vậy, việc khám sức khoẻ định kỳ cho sản phụ đóng vai trò quan trọng trong quá trình mang thai và sinh nở không chỉ với người mẹ mà còn với thai nhi.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp – bệnh viện đa khoa tuyến cuối của Thành phố Hải Phòng, với việc thành lập khoa Phụ Sản và khoa Nhi là những mảnh ghép cuối cùng đã mang lại sự hoàn chỉnh và chuyên sâu cho một cơ sở y tế đầu ngành của Thành phố. Nhờ sự phối hợp các chuyên ngành, mà bệnh nhân trong thành phố và các tỉnh lân cận đã được tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất và tiện lợi nhất.

Text Box: Hình ảnh mẹ và bé khi xuất viện

Tài liệu tham khảo: 1.     HELLP Syndrome. Farhan Khalid; Neetu Mahendraker; Tiffany Tonismae. National library of medicine.