Tin tức

Từ trái tim Bác đến trái tim người thầy thuốc: 135 năm tỏa sáng tinh thần Hồ Chí Minh - Khát vọng vì một Việt Nam khỏe mạnh
Hôm nay, ngày 19/5, chúng ta cùng nhau tôn vinh và tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước, đồng thời cũng là người sáng lập nền y tế cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ không chỉ là người chiến sĩ kiên cường, mà còn là người thấu hiểu sâu sắc tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi con người. Người từng nói: “Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn." Đây chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành y tế nước nhà, trong đó có Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp.
Đối với ngành y tế, Bác Hồ không chỉ dành sự quan tâm đặc biệt mà còn trực tiếp thăm hỏi, động viên, truyền cảm hứng thi đua, yêu nghề cho những người thầy thuốc. Một trong những dấu mốc lịch sử quan trọng, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm bao thế hệ y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, chính là sự kiện Bác về thăm Bệnh viện vào ngày 23 tháng 1 năm 1963.

(Hồ Chủ tịch và Chủ tịch Nôvốtny về thăm bệnh viện năm 1963, đi cùng Bác có một số lãnh đạo thành phố: đồng chí Trần Kiên, đồng chí Hoàng Hữu Nhâm và lãnh đạo Bệnh viện: đồng chí Hồ Công Nghĩa, đồng chí Hồ Trọng Bảo)
Đó là một ngày đặc biệt và thiêng liêng. Cùng đi với Bác Hồ khi ấy còn có đồng chí Nôvốtny – Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung ương và thành phố. Đúng 9 giờ sáng, đoàn xe dẫn đầu bởi xe của Bác và Chủ tịch Nôvốtny tiến vào Bệnh viện. Trong không khí trang nghiêm và xúc động tại hội trường, sau khi thăm hỏi sức khỏe, đời sống cán bộ nhân viên, Bác đã lắng nghe đồng chí Hồ Công Nghĩa – Giám đốc Bệnh viện báo cáo tình hình hoạt động, những khó khăn và nỗ lực của tập thể y bác sĩ.
Tại đây, Bác ân cần nhắc nhở, lời căn dặn giản dị mà sâu sắc chạm đến trái tim tất cả những người có mặt hôm đó. Cả hội trường vang lên câu đáp dõng dạc, đầy quyết tâm: “Thi đua!”. Sau buổi gặp mặt, Bác cùng Chủ tịch Nôvốtny đã đi thăm khoa Nội, khoa Dược và Đa khoa của bệnh viện – để lại dấu ấn không thể nào quên đối với toàn thể cán bộ y tế nơi đây.
(Bác Hồ cùng Chủ tịch Nôvốtny đi thăm một số khoa, phòng)
Chuyến thăm của Bác không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn là nguồn động viên, khích lệ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho Bệnh viện trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước phục hồi và phát triển. Giai đoạn 1955–1965, từ đống hoang tàn do chiến tranh để lại, với sự chung tay giúp đỡ của các chuyên gia Tiệp Khắc, cùng tinh thần lao động quên mình của đội ngũ cán bộ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp đã nhanh chóng đứng vững, mở rộng quy mô, tổ chức lại bộ máy và đẩy mạnh các phong trào thi đua. Đặc biệt, lời dạy của Bác đã trở thành ngọn lửa thắp sáng tinh thần sáng tạo, đổi mới, khơi dậy nhiều sáng kiến trong quản lý và chuyên môn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cho đến ngày hôm nay, mỗi bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ bệnh viện đều coi trọng những lời dạy của Bác, nỗ lực không ngừng nghỉ để giúp đỡ, chữa trị và chăm sóc từng người bệnh. Với mỗi ca bệnh được cứu sống, với mỗi nụ cười của người bệnh khi được về với gia đình, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và sự vinh dự khi làm theo lời Bác, trở thành người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”.
Bệnh viện luôn chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của mọi người dân. Với sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp luôn nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng của Bác, mang đến những dịch vụ y tế chất lượng cao, với phương châm “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào và động lực thiêng liêng để những người làm ngành y tiếp tục bước đi, cống hiến và lan toả giá trị nhân văn đến với cộng đồng.