PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG

Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp được thành lập ngày 24/9/1989, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hội đồng Quản lý, Ban Giám đốc Bệnh viện và chịu trách nhiệm về tổ chức điều hành, giám sát công tác chăm sóc, theo dõi người bệnh và thực hiện quy chế quản lý bệnh viện.

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, lực lượng điều dưỡng/kỹ thuật viên/hộ sinh những ngày đầu chưa đến 100 nhân viên  nay đã trở thành một đội ngũ vững mạnh, hùng hậu với hơn 1.000 nhân lực giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, đoàn kết nhất trí, chuyên môn vững vàng, xứng đáng là lá cờ đầu của Thành phố Hải Phòng trong công tác theo dõi và chăm sóc người bệnh. Phòng Điều dưỡng đã đạt nhiều thành tích, được nhận bằng khen của: Bộ Y tế, Hội Điều dưỡng Việt Nam, Thành Hội điều dưỡng Hải Phòng.

I. Lãnh đạo:

1. Lãnh đạo đương nhiệm

- CN. Phạm Thị Nhữ - Phụ trách Phòng Điều dưỡng (từ tháng 11/2023 đến nay)

- CN. Nguyễn Thị Vân - Phó trưởng phòng

2. Lãnh đạo tiền nhiệm:

- Trưởng phòng:

+ ĐD. Trương Minh Tuấn

+ CN. Lê Thị Bích Thủy

+ ThS. Phạm Thị Liễu

II. Tổ chức nhân sự:

- Tổng số: 08 cán bộ công nhân viên; Trình độ: 01 Chuyên khoa I; 05 Cử nhân Đại học; 03 Cử nhân Cao đẳng.

- Trong đó:

          + Phụ trách phòng: 01

          + Phó trưởng phòng: 01

          + Điều dưỡng trưởng khối: 03

          + Nhân viên: 03

III. Chức năng nhiệm vụ

          Theo Quy chế Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp ban hành tại Quyết định số 713/QĐ-BVVT-TCCB ngày 06/6/2016 của bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Thông tư 31/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021của Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh trong bệnh viện.

Phòng Điều dưỡng có nhiệm vụ chính gồm:

1. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động, hướng dẫn, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các văn bản liên quan đến hoạt động điều dưỡng:

a) Chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động điều dưỡng, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật, các văn bản liên quan đến hoạt động điều dưỡng của bệnh viện;

b) Xây dựng các mô hình chăm sóc phù hợp với nguồn lực và cơ cấu tổ chức của bệnh viện.

2. Quản lý điều hành chuyên môn:

a) Tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động điều dưỡng quy định tại Thông tư này;

b) Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động điều dưỡng theo quy định.

3. Quản lý nhân sự:

a) Phối hợp các khoa, phòng liên quan xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đề xuất tuyển dụng, bố trí, điều động điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, hộ lý trợ giúp chăm sóc của bệnh viện;

b) Xây dựng mô tả công việc cho các thành viên của phòng điều dưỡng, điều dưỡng trưởng khoa, hộ sinh trưởng khoa, kỹ thuật y trưởng khoa, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, hộ lý trợ giúp chăm sóc theo quy định tại Thông tư này và Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y phù hợp với phạm vi hoạt động của bệnh viện;

c) Tham gia xây dựng tiêu chí đánh giá và chịu trách nhiệm đánh giá năng lực điều dưỡng định kỳ hằng năm và trước khi tuyển dụng;

d) Tham gia đề xuất bổ nhiệm và miễn nhiệm các vị trí điều dưỡng trưởng khoa, hộ sinh trưởng khoa và kỹ thuật y trưởng khoa;

đ) Tham gia đề xuất khen thưởng, kỷ luật các cá nhân, tập thể điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, hộ lý trợ giúp chăm sóc có thành tích hoặc vi phạm theo quy định.

4. Đào tạo, nghiên cứu khoa học:

a) Nghiên cứu, khảo sát phát hiện các nội dung cần cải thiện trong quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện;

b) Thường xuyên đánh giá, đề xuất và thử nghiệm các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện;

c) Tham gia xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo nâng cao năng lực hoạt động điều dưỡng cho tuyến dưới;

d) Đề xuất việc tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thi nâng hạng của điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y theo quy định;

đ) Xây dựng kế hoạch, chương trình, tài liệu và thực hiện đào tạo mới, đào tạo liên tục; tổ chức khảo sát, đánh giá, phát hiện các điểm cần cải thiện trong đào tạo;

e) Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng chăm sóc, thực hành chăm sóc dựa vào bằng chứng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

5. Tham gia đề xuất mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất liên quan đến hoạt động điều dưỡng, giám sát chất lượng và kiểm tra việc sử dụng, bảo quản theo quy định.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giám đốc bệnh viện phân công.

IV. Định hướng phát triển

1.     Mục tiêu chung:

          Nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác điều dưỡng ngày một chuyên nghiệp hơn, thực hành chăm sóc chuẩn nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám và điều trị tại bệnh viện.

2.     Mục tiêu cụ thể:

-         Chuẩn hóa các quy trình quản lý Điều dưỡng, kiểm tra giám sát hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh trong bệnh viện.

-         Xây dựng hệ thống chỉ số đo lường, bộ công cụ đánh giá chất lượng chăm sóc khoa học và tin cậy

-         Xây dựng chương trình đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm cho Điều dưỡng/ Kỹ thuật viên/ Nữ hộ sinh trong chăm sóc, theo dõi và phục vụ người bệnh. 

-         Cập nhật, chỉnh sửa và ban hành các quy định, quy trình kỹ thuật chuyên môn, giám sát sự tuân thủ của Điều dưỡng/Kỹ thuật viên/Nữ hộ sinh đảm bảo thống nhất đồng bộ trong toàn viện và an toàn cho người bệnh.

-         Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực của Điều dưỡng/Kỹ thuật viên/Nữ hộ sinh.

-         Tham gia nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học nhằm chia sẻ và cập nhật kiến thức mới trong thực hành chăm sóc người bệnh.

-         Tăng cường, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế; Tích cực tham gia, duy trì hoạt động hội nghề nghiệp nhằm tôn vinh và khẳng định vị thế của người Điều dưỡng.