...

Những điều cần biết về hiến tạng và cách đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

Hiến tạng là hành động nhân văn, mang lại giá trị to lớn cho xã hội. Một người hiến tạng có thể cứu sống được cùng lúc nhiều người bằng chính những cơ quan nội tạng trên cơ thể. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, “cho đi là còn mãi”, nhiều người đã quyết định hiến tạng để góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn tạng hiến.

Hiến tạng là gì?

Hiến tạng là trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.

Hiến tạng nhân đạo là sự tình nguyện hiến tặng nhân đạo các cơ quan còn chức năng, nhưng bản thân người bệnh không còn cần sử dụng nữa cho người bệnh suy chức năng cơ quan cần có cơ quan để thay thế.

Trong đó, tạng bao gồm các bộ phận trên cơ thể người như:

Mô: là giác mạc, da, xương, tủy xương, van tim.

Tạng: là tim, gan, thận, tụy.

Hiến tạng sau khi chết là như thế nào?

Điều kiện đăng ký hiến tạng

Theo Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 có quy định về điều kiện để đăng ký được hiến tạng. Cụ thể là:

Người được đăng ký tình nguyện hiến tạng cần trên 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Họ có quyền được hiến mô hay bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hay khi chết hoặc chết não.

Người cao tuổi cũng có thể hiến tặng mô, tạng, giác mạc sau khi chết hoặc chết não.

Hiến tạng khi chết não

Là trường hợp người bệnh bị chấn thương sọ não nặng, quá chỉ định phẫu thuật, hoặc đã phẫu thuật nhưng không hồi phục. Hoặc là trường hợp người bệnh bị tai biến mạch máu não nặng. Khi này, não đã chết nhưng tim vẫn còn đập với sự hỗ trợ hô hấp bởi máy thở và có thể phải sử dụng cả thuốc vận mạch (hỗ trợ cho nhịp đập của tim). Thời gian dẫn đến ngừng tim, ngừng thở có thể trong vài giờ hoặc vài ngày tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của não bộ.

Hiến tạng khi ngừng tim

Gặp ở người bệnh bị suy tim, bệnh lý mạch vành hay tai biến mạch máu não, vỡ dị dạng mạch máu não… Trong trường hợp này, tình hình diễn tiến của bệnh thường đột ngột, không có thời gian chuẩn bị tốt, nên thường số loại cơ quan nhận được sẽ ít hơn người hiến tạng khi chết não.

Hiến mô tạng và hiến xác có gì khác nhau?

Hiến xác: các Trường Đại học Y khoa có chức năng bảo quản xác. Đơn vị sẽ tiếp nhận cơ thể người hiến trong vòng 24h sau khi người hiến ngừng tim, ngừng hô hấp.

Hiến mô: cơ quan có thể tiếp nhận mô hiến tối đa trong vòng 12h sau khi người hiến ngừng tim, ngừng hô hấp. Thời gian tiếp nhận càng chậm thì mô hiến sẽ bị tổn hại, chất lượng mô hiến sẽ giảm.

Hiến tạng: quy trình tiếp nhận sẽ phức tạp hơn, người hiến tạng phải được chuẩn bị sẵn sàng và ở trong môi trường bệnh viện.

Gia đình phải báo cho đơn vị điều phối ngay khi nhận được thông tin từ bác sĩ điều trị là “tình trạng bệnh của người thân mình rất nặng, tiên lượng tử vong…” qua số điện thoại 24h/24h: 0969 26 15 15

Khi nhận được thông tin của gia đình đến đơn vị tư vấn, sẽ có sự phối hợp đánh giá, hỗ trợ điều trị nếu người bệnh đang ở xa trung tâm (nếu tình trạng bệnh còn có thể có khả năng điều trị).

Trong trường hợp tình trạng bệnh không còn khả năng điều trị thì cũng có đủ thời gian đánh giá nguyên nhân dẫn đến tử vong của người bệnh có chống chỉ định hiến tạng hay không? Chức năng cơ quan dự định hiến có thể nhận được không? Người bệnh đang ở bệnh viện nào? Có thể chuyển đến Bệnh viện hay trung tâm để nhận tạng hay không? Có thể đủ thời gian để tổ chức nhận tạng tại chỗ hay không? Có chọn được người phù hợp để ghép hay không?…. Thời gian chuẩn bị nhận tạng kéo dài trong vòng 12h-24h.

Trường hợp bệnh diễn biến xấu nhanh, thì số loại cơ quan hiến tặng được cũng sẽ giảm theo, thông thường thì chỉ có thể nhận được thận, giác mạc và các loại mô khác hoặc thêm được gan; tim, phổi thường sẽ không nhận được.

Như vậy, người hiến tạng sau khi chết não sẽ hiến được nhiều cơ quan hơn là trường hợp người hiến tạng khi ngừng tim. Tối đa có thể cứu được từ 6-8 người bệnh.

Thời gian vàng để có thể nhận được cơ quan là trong 15 phút đầu tiên sau khi người hiến tạng ngừng tim, ngừng thở.

Ai sẽ là người được nhận cơ quan hiến?

Những người đã có đăng ký trên danh sách chờ nhận tạng ghép, có sự hoà hợp mô với người hiến tạng nhiều nhất, có đủ sức khoẻ để chịu đựng được cuộc mổ ghép và có thể đến trung tâm ghép kịp thời gian.

Nếu có nhiều người cùng có sự hoà hợp như nhau, thì tiêu chuẩn kế tiếp sẽ là thời gian đăng ký trên danh sách chờ ghép Quốc gia.

Trường hợp ưu tiên cho những người có tình trạng bệnh khẩn cấp, tiên lượng tử vong nếu không có cơ quan thay thế ngay, và nếu có sự phù hợp với cơ quan được hiến tặng.

Trẻ em sẽ được ưu tiên nếu có sự phù hợp với cơ quan được hiến tặng.

Người bệnh trên danh sách chờ sẽ được đánh giá tình trạng sức khoẻ định kỳ bởi những bác sĩ phụ trách theo dõi bệnh. Tất cả phải được chuẩn bị sẵn sàng để khi có tạng hiến phù hợp thì người bệnh có thể tham gia ghép.

Quyền lợi của người hiến tạng

Quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống

Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.

Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.

Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Quyền lợi của người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác

Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Chế độ tổ chức tang lễ, mai tang di hài: thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác phải xuất trình với cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến giấy tờ chứng minh là thân nhân của người đã hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác để nhận chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài theo quy định.

Cách đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

 

(Mẫu đơn tự nguyện đăng ký hiến tạng)

Hiện nay, khi có nhu cầu hiến tạng, người dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký một cách nhanh chóng, tiện lợi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, địa chỉ số 1 đường Nhà Thương. Khi đến đăng ký, người dân cần mang theo:

2 ảnh 3×4

Photo CCCD (2 mặt)

Mọi thắc mắc xin liên hệ theo số điện thoại:

Giờ hành chính: 0225 2608 858 / 0225 3700 436/ 1900 232 361

Hoặc hotline 24/24: 0969 261 515

(Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đăng ký hiến tạng hưởng ứng ngày hội chung tay vì sự sống)

 (Người dân đến đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)

Phương Loan